Đầu tư 23/11/2014 08:47

Giật mình con số 40% kiểm soát viên không lưu năng lực trung bình, yếu

Ngành hàng không cần phải có giải pháp cụ thể về nguồn lực, tránh tình trạng thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng.

Đã từng xảy ra nhiều sự cố lớn nhỏ, song trong khoảng 20 năm qua, ngành hàng không Việt Nam chưa để xảy ra bất cứ tai nạn nào phải nói lên câu “đáng tiếc” gây thiệt hại về người.

Điều này có thể được coi là đáng tự hào nhưng phần nhiều còn phụ thuộc vào những yếu tố may mắn. Sở dĩ như vậy là vì thực tế việc duy trì, bảo đảm an toàn trong toàn ngành hàng không nói chung và trong lĩnh vực điều hành bay nói riêng còn chưa thực sự vững chắc, các sự cố uy hiếp an toàn vẫn còn có thể xảy ra ở tất cả các khâu trong đó nguyên nhân chủ quan do yếu tố con người chiếm tỷ trọng lớn.

Bất cứ ai cũng sẽ giật mình khi con số của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đưa ra gần đây đã cho thấy: Đội ngũ nhân viên kiểm soát không lưu (người dẫn đường cho máy bay cất, hạ cánh) hiện nay của ngành hàng không có tay nghề trung bình và yếu vẫn chiếm tỷ lệ 40%, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) của lực đội ngũ này có tới 30% chưa đạt mức 4 theo tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Hàng không quốc tế ICAO.

 
Những sự cố uy hiếp an toàn bay có liên quan đến kiểm soát viên không lưu. (Ảnh: TNO)
 
Chính Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp với VATM đã phải thẳng thắn đánh giá, nguồn nhân lực của tổng công ty, trình độ kiểm soát viên không lưu quá thấp cả về trình độ và tiếng Anh. Nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp của một bộ phận kiểm soát viên không lưu còn hạn chế, chưa thấy hết được tầm quan trọng, sự sống còn của đơn vị trong việc đảm bảo an toàn dẫn đến chủ quan, phân tán khi làm nhiệm vụ.

Bộ trưởng Thăng chỉ rõ rằng, nếu ngành hàng không không kịp thời nâng cao năng lực điều hành bay của kiểm soát viên không lưu thì những sự cố về mất an toàn bay là hoàn toàn có thể xảy ra. Ở những vị trí khác nhân viên có thể có yếu kém được, nhưng kiểm soát viên dẫn đường mà sai thì sẽ có nhiều cái chết, sai lầm đó không có cơ hội sửa chữa.

Vậy tại sao trình độ của đội ngũ kiểm soát viên không lưu vẫn chiếm tỷ lệ lớn? Theo đại diện VATM cho biết thì nguồn đào tạo kiểm soát viên không lưu tại Việt Nam hiện chỉ có ở Học viện Hàng không, nhưng số lượng đào tạo ở đây cũng không có nhiều và chủ yếu là trình độ Trung cấp, mấy năm trở lại đây mới có trình độ Đại học về kiểm soát không lưu.

Trước yêu cầu và đòi hỏi cấp bách về trình độ năng lực, đảm bảo mục tiêu an toàn tối đa, liệu ngành hàng không có dám đặt vấn đề loại bỏ toàn bộ những nhân viên yếu kém ra khỏi đội ngũ kiểm soát viên không lưu hay không? Câu trả lời là không thể.

Bởi chính đại diện Cục Hàng không Việt Nam đã từng thừa nhận, trong Đề án đổi mới nâng cao năng lực toàn diện của Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam có đưa ra những định hướng lớn trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, nguồn lực với những giải pháp nâng cao năng lực của Tổng Công ty.

Tuy nhiên trong đề án này không thể nói tới việc sa thải toàn bộ những nhân viên yếu kém mà phải có giải pháp cụ thể về nguồn lực, tránh tình trạng vừa thiếu vừa thừa, thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng năng lực.

Cụ thể là những kiểm soát viên không lưu không đạt được tiêu chuẩn về trình độ tiếng Anh sẽ không được bố trí điều hành bay, phải chuyển làm công việc khác có liên quan đến điều hành bay nhưng không phải liên lạc trực tiếp với phi công như nhân viên hiệp đồng, quản lý thiết bị… chỉ khi những nhân viên đó không còn chỗ để ‘tái cơ cấu” mới phải chấm dứt hợp đồng.

Một vị đại diện của Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam cũng nói rằng, đội ngũ kiểm soát viên không lưu còn phải liên tục hoàn thiện mình, nhất là năng lực điều hành bay. Việc nâng cao năng lực về cung cấp điều hàng bay liên quan đến nhiều yếu tố như  hệ thống tổ chức, hệ thống trang thiết bị và yếu tố con người…

Tuy nhiên, vị này quả quyết là trang thiết bị có thể bỏ tiền ra mua được ngay, cơ cấu tổ chức có thể nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhưng yếu tố con người phải cần có một khoảng thời gian nhất định, không thể trong một sớm một chiều. Do đó cần có những chương trình tuyển dụng, thu hút những người tài giỏi, huấn luyện đào tạo nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỉ luật chấp hành các quy định của ngành hành không.

Đại diện Cục hàng không cũng vẫn không ngừng khẳng định, về lâu dài, bắt buộc 100% nhân viên ngành hàng không ở vị trí nào cũng phải có trình độ tiếng Anh tối thiểu mức 4 theo tiêu chuẩn ICAO. Ngoài ra còn bắt buộc những người được tuyển dụng vào lĩnh vực này phải có cam kết, giải pháp để liên tục nâng cao kiến thức của mình, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày một cao hơn.

An ninh, an toàn hàng không là ưu tiên số 1, là điều kiện sống còn cho ngành hàng không. Càng nâng cao mức độ an toàn thì càng có điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ và sự tin tưởng của hành khách.

Hi vọng rằng ngành hàng không, đặc biệt là đội ngũ nhân viên kiểm soát không lưu thấy được hết tầm quan trọng của công việc mình đang làm, từ đó quyết liệt và khẩn trương thay đổi nâng cao trình độ năng lực, luôn đảm bảo cho những chuyến bay an toàn và hiệu quả./.

Theo Nguyễn Quỳnh
VOV.VN
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *