Đầu tư 22/05/2015 14:07

Các “ông lớn” Ấn Độ nhòm ngó thị trường Việt Nam

FICA - Thời gian gần đây, có nhiều tập đoàn lớn của Ấn Độ như Tata, Relience, Essar...hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thép, khai thác dầu khí, hoá dầu, công nghệ thông tin, viễn thông, các ngành công nghệ cao và dược phẩm.. bày tỏ ý định đầu tư mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho thấy, tính đến hết tháng 4/2015, Ấn Độ có 99 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký đạt 379,299 triệu USD đứng thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 41 dự án, tổng vốn đầu tư 211,62 triệu USD, chiếm 55,8% về vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là lĩnh vực khai khoáng có 3 dự án, tổng vốn đầu tư 86 triệu USD, chiếm 22,67% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn bán lẻ có 19 dự án, tổng vốn đầu tư 51,08 triệu USD, chiếm 13.73% về vốn đầu tư. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Đa số vốn đầu tư của Ấn Độ theo hình thức 100% vốn nước ngoài có 77 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 269.264 triệu USD, chiếm 71% về tổng vốn đầu tư. Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đứng tứ 2 với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 86,28 triệu USD chiếm 22,7% về tống vốn đầu tư. Hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh có 18 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 23,67 triệu USD, chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư.

Nếu không tính 3 dự án thăm dò, khai thác dầu khí, Ấn Độ đang đầu tư tại 22 địa phương trên 63 tỉnh thành của Việt Nam, trong đó đứng đầu là Tp. Hồ Chí Minh với 36 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 54,9 triệu USD, tiếp đến tỉnh Tuyên Quang với 3 dự án, tổng vốn đầu tư 45 triệu USD; đứng thứ ba là Bắc ninh với 02 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 40,5 triệu USD.

Ngoại trừ 3 dự án lớn trong lĩnh vực dầu khí, các dự án lớn của Ấn Độ tại Việt Nam bao gồm:

+ Dự án Cty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng tại Tp. Hồ Chí Minh, cấp phép ngày 19/1/2015 với tổng vốn đầu tư đạt 47,6 triệu USD, mục tiêu là xuất nhập khẩu thực phẩm gia vị và rau quả.

+ Dự án Cty TNHH Quốc tế Unilever tại Bắc Ninh, cấp phép ngày 08/12/2014 với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, mục tiêu dự án là sản xuất các sản phẩm chăm sóc gia đình.

+ Dự án Công ty TNHH Bohra Industries tại Nghệ An, cấp phép ngày 15/2/2015 với tổng vốn đầu tư 24 triệu USD, mục tiêu dự án là sản xuất chế biến phân lân, supe phốt phát,..

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 5 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đầu tư 1,81 triệu USD. Các lĩnh vực mà các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm gồm phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, phân phối, buôn bán vật liệu xây dựng, buôn bán xuất nhập khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học.

Ấn Độ có tiềm lực mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin như chính phủ điện tử, phát triển phần mềm… Nhiều công ty của Ấn Độ đã bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển phần mềm và đào tạo công nghệ thông tin, dệt may, ngân hàng tài chính, phầm mềm, thức ăn gia súc...

Thời gian gần đây, có nhiều tập đoàn tiêu biểu Ấn Độ như Tata, Relience, Essar, ONGC, Inforsys, NIIT, Wipro, Ranbasy, Satyam, Gail, Aditya Birla...hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thép, khai thác dầu khí, hoá dầu, công nghệ thông tin, viễn thông, các ngành công nghệ cao và dược phẩm.. sang thăm và làm việc với Việt Nam bày tỏ ý định đầu tư mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, đầu tư của Ấn Độ mới chỉ đứng thứ 30 trong 101 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Có nhiều lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ đầu tư giữa hai nước cần, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần có sự tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phần mềm, công nghiệp điện, điện tử.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đầu tư từ Việt Nam vào Ấn Độ thông qua đại diện ngoại giao tại Ấn Độ bằng hình thức hội thảo, trao đổi thông tin của Doanh nghiệp 2 nước hoặc tổ chức các đoàn Doanh nghiệp 2 nước đi khảo sát thị trường lẫn nhau. Tổ chức các Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm quản lý, xúc tiến và kêu gọi đầu tư để Việt Nam có thể trao đổi kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc xây dựng và thực hiện chính sách định hướng phát triển xuất khẩu phần mềm.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *