Dòng chảy vốn 06/10/2014 06:38

Chuyện con ốc vít: Làm được nhưng bán cho Samsung là chuyện khác

FICA - Theo Bộ trưởng Công thương, trên thực tế là chúng ta sản xuất được rồi chất lượng đảm bảo, tuy nhiên, có đưa được sản phẩm vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn SamSung là câu chuyện khác.

Chuyện sản xuất ốc vít

Hiện nay ở tầm quốc gia, mỗi năm chúng ta phải mất hàng chục tỷ USD nhập khẩu các linh, phụ kiện phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu.Thứ hai, ở tầm doanh nghiệp, trong cuộc hội thảo gần đây, gần 200 doanh nghiệp điện tử của Việt Nam đã phải tiếc nuối khi không đủ khả năng sản xuất được cái ốc vít theo đơn đặt hàng của Samsung. 

Chia sẻ về vấn đề này, trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời hôm qua (6/10), Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc sản xuất một linh kiện, phụ tùng ngoài yêu cầu về mặt chất lượng còn nhiều yêu cầu về khía cạnh khác. Cho nên việc chúng ta sản xuất, hay không sản xuất được linh kiện phụ tùng, vấn đề là có tiêu thụ được hay không?

Theo Bộ trưởng, vấn đề ở đây tương tự như câu chuyện của Samsung đã nêu, trên thực tế là chúng ta sản xuất được rồi chất lượng đảm bảo, tuy nhiên, có đưa được sản phẩm vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn SamSung không phải chỉ ở Việt Nam, mà trên toàn cầu là câu chuyện khác.

"Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ ngoài các cơ chế chính sách, Nhà nước cũng cần các chương trình hợp tác với nước ngoài, nhất là những quốc gia có kinh nghiệm như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước chỉ mang tính thúc đẩy, còn quyết định có tham gia được công nghiệp hỗ trợ hay không vẫn là phải tự bản thân các doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.

Trước phản ánh của doanh nghiệp cho rằng, dù Chính phủ có rất nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tuy nhiên việc tiếp cận với một "rừng thủ tục" không phải là điều dễ dàng, Bộ trưởng Hoàng cho rằng việc các chính ưu đãi này chưa đến được với các doanh nghiệp là do những ưu đãi, cơ chế, chính sách hiện có chưa đủ sức hấp dẫn và chưa đủ để các doanh nghiệp quan tâm. 

Thứ 2 bản thân sức của các doanh nghiệp hỗ trợ còn đang yếu, nếu không có vai trò thúc đẩy, hay sự hỗ trợ trực tiếp từ kinh phí, họ khó mà thực hiện được các chủ trương trong khuyến khích phát triển doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì thế Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành 24/2/2011, mặc dù đã đề cập đến nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng trong thực tế việc thực thi vẫn còn nhiều vấn đế.

Theo Bộ trưởng, những giải pháp trong Quyết định này cần phải xem xét vì sao chưa đủ sức hấp dẫn để sửa đổi ban hành, và sửa đổi cho phù hợp. Chính vì vậy, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành địa phương rà soát lại Quyết định 12 và xây dựng thành một Nghị định.

"Khi đó, tác động chắc chắn sẽ cao hơn Quyết định, và có điều kiện đề cập, quy định những nội dung mới qua thực tiễn còn bất cập sẽ đưa vào trong Nghị định. Hiện nay, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến rộng rãi và tổ chức hội thảo với tinh thần, Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho công nghiệp hỗ trợ, như Chương trình quốc gia doanh nghiệp hỗ trợ, hay hình thành Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, và những cơ chế ưu đãi hơn về thuế đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ" ông nói.

Không phải sợ hàng Thái

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là mới đây, trong lĩnh vực tiêu dùng có diễn ra thương vụ mua lại chuỗi siêu thị tại Việt Nam của một Tập đoàn bán lẻ Thái Lan. Theo phản ánh trước đó, sau khi chính Tập đoàn này mua lại một chuỗi siêu thị Việt khác, đã đưa hàng Thái vào chuỗi này đến 70%. Trong bối cảnh, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào đầu năm tới, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành tỏ ra khá lo ngại về khả năng cạnh tranh với hàng Thái khi mà giá vừa rẻ lại có cả hệ thống phân phối để đưa hàng của họ đến với người tiêu dùng của chúng ta.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, sự quan ngại này cũng có cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế các siêu thị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Metro, BigC là những tên tuổi lớn lại sử dụng phần lớn hàng hoá, hoặc xuất sứ ở Việt Nam hay ở cửa hàng của họ như Metro là 90%, BigC là tương tự.

"Đối với trường hợp doanh nghiệp của Thái nhận chuyển nhượng của Metro, tôi nghĩ rằng, nếu hàng Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã thu hút được người tiêu dùng, giá cả phải chăng, chắc chắn họ sẽ dùng hàng Việt Nam tiêu thụ trong hệ thống của họ", ông lạc quan.

Bộ trưởng cũng nói thêm rằng: "Rõ ràng, với việc mở cửa thị trường không chỉ các nước có cơ hội đưa hàng vào Việt Nam, ngược lại chúng ta cũng có cơ hội đưa hàng ra nước ngoài, như những mặt hàng có thể mạnh của ta như nông sản, thuỷ sản, dệt may, gia giầy. Đây là tác dụng của việc mở cửa thị trường và cũng là thực hiện cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN nếu được thành lập trong 2015, đây chính là quan hệ hai chiều như vậy".

Ngành thép: Mở cửa là có lợi

Mới đây, một số doanh nghiệp thép bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam kí Hiệp định liên minh thuế quan với Nga, Belarus và Kazakhstan, hàng loạt doanh nghiệp thép trong nước có thể sẽ phá sản do không thể cạnh tranh. 

Tuy nhiên, đối với lo ngại này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng trấn an doanh nghiệp trong ngành rằng, sản phẩm thép có rất nhiều chủng loại, cho nên trong đàm phán của chúng ta với Liên minh thuế quan, đoàn đàm phán có đưa ra một bản chào hàng, mở cửa cho phía bạn.

Theo đó, những sản phẩm mà chúng ta sản xuất đủ và thừa như: Thép xây dựng thông thường, đề nghị bạn không mở cửa hoặc là nếu có thì phải có hạn ngạch, thuế suất cao. Nhưng ngược lại có những sản phẩm thép chúng ta chưa sản xuất được, thậm chí trong thời gian dài sắp tới, thì chúng ta phải nhập khẩu như thép chế tạo.

Ông Hoàng khẳng định, tõ ràng việc chúng ta cho phép các đối tác nước ngoài trong đó có Liên minh thuế quan được xuất khẩu sản phẩm thép này vào Việt Nam là có lợi cho chúng ta, bởi vì thuế thấp, các doanh nghiệp sử dụng thép chế tạo sản xuất ra sản phẩm của mình giá cả thấp hơn.

"Đây là điều phải nói rõ nếu không dư luận lại hiểu chúng ta mở cửa thị trường thép cho Liên minh thuế quan dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp thép gặp khó khăn. Cần phải nhìn theo vấn đề và cách đàm phán mà hiện nay chúng tôi đang làm", Bộ trưởng nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *