Dòng chảy vốn 05/03/2015 15:04

BSC dự báo CPI tháng 3 tiếp tục giảm 0,3%

FICA - BSC cho rằng, diễn biến CPI có khả năng sẽ ấm trở lại trong nửa cuối năm 2015 và dự báo cả năm tăng dưới mức 5%.

Theo báo cáo vĩ mô tháng 2 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tháng 3 sau Tết thường là tháng có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp vì đây là nhu cầu người dân trở lại bình thường sau khi tăng lên trong dịp Tết. Do đó CPI tháng 3/2015 nhiều khả năng tiếp tục giảm, dự báo ở mức -0,3% đến -0,2%.

Trước đó, trong tháng 2 CPI giảm 0,05% so với tháng trước; so với cùng kỳ tăng 0,34%. Mặc dù là tháng Tết nhưng CPI vẫn giảm, theo BSC, điều này có 3 nguyên nhân: do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm mạnh (giá xăng giảm 11,5%; giá dầu die el giảm 11,9%; giá dầu hỏa giảm 10 %); và nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết không tăng mạnh như các năm trước do tâm lý chi tiêu tiết kiệm hơn của người dân; và công tác bình ổn giá và việc bảo đảm nguồn cung, cầu hàng hóa trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán được thực hiện hiệu quả.

BSC cho rằng, diễn biến CPI có khả năng sẽ ấm trở lại trong nửa cuối năm 2015 và dự báo cả năm tăng dưới mức 5%.

Trong tháng 2, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 19,2% so với tháng trước do tháng 02 có nhiều ngày nghỉ Tết, nhưng vẫn tăng 7% so với cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm, SXCN tăng 12% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều mức tăng 5,4% của cùng kỳ năm trước.

Chỉ số PMI (HSBC) tháng 2 đạt 51,7 điểm, tăng nhẹ so với mức 51,5 điểm trong tháng 01/2015. Như vậy là mặc dù trùng vào kỳ nghỉ Tết âm lịch, PMI không những không suy yếu mà vẫn thể hiện mức tăng khá ổn định, đây có thể coi là tín hiệu tích cực. BSC dự báo PMI trong các tháng tới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng nhờ hưởng lợi kéo dài từ giá đầu vào thấp (cụ thể là giá xăng dầu). 

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tiến độ giải ngân FDI trong tháng 2 tăng trưởng vững chắc bất chấp tình hình thu hút vốn FDI sụt giảm mạnh. BSC lưu ý rằng tháng 2 vốn là tháng có ít ngày nhất tháng, đồng thời trùng với tháng Giêng âm lịch nên có ảnh hưởng ít nhiều tới việc thu hút vốn đầu tư.

Cụ thể, FDI thực hiện trong tháng 2/2015 đạt 1,2 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng FDI đăng ký đạt 1,19 triệu USD, chỉ đạt khoảng 77% so với cùng kỳ năm trước. Gần 2/3 giá trị FDI đăng ký là đăng ký cấp mới, trong khi phần còn lại (FDI đăng ký tăng thêm) giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước (-32%).
 
BSC đánh giá, 2 tháng đầu năm 2015 hiện chưa xuất hiện dự án FDI lớn. Số lượng các dự án được cấp chứng nhận dù gia tăng nhưng chủ yếu là các dự án có quy mô vốn nhỏ. Tuy nhiên, tình trạng trên chưa phản ánh được xu hướng FDI hiện tại bởi các dự án có quy mô vốn lớn thông thường cần tốn nhiều thời gian để chuẩn bị. Các dự án lớn gần đây như 10 dự án BOT điện (với số vốn khoảng 2-2,5 tỷ USD) vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Các đối tác lớn của Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ cũng khẳng định cam kết đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang rất tích cực đẩy mạnh quá trình mở cửa thông qua việc đàm phán với các đối tác cũng như các hiệp định quốc tế.


Xu hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất của các tập đoàn lớn đã duy trì trong hơn 2 năm qua các dự án quy mô rất lớn. Do đó, BSC tiếp tục kỳ vọng cao về triển vọng thu hút vốn FDI trong những tháng tiếp theo. Lĩnh vực đầu tư chủ chốt vẫn là sản xuất chế tạo, may mặc, giày dép, bất động sản…

Ngoài ra, BSC cũng cho rằng, giá trị nhập siêu 0,36 tỷ USD trong tháng 1 đã được bù trừ đi gần hết, đưa mức thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm về mức 61 triệu USD, thấp hơn đáng kế so với mức xuất siêu cùng kỳ năm trước (1,35 tỷ USD). Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ hồi phục kể từ tháng 3, sau khi các hoạt động kinh tế trở lại quỹ đạo bình thường sau kỳ nghỉ Tết âm lịch.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *