Dòng chảy vốn 17/01/2014 16:42

BSC: Nợ công sẽ lên gần 80 tỷ USD vào năm 2014

FICA - Nếu tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, thì con số thực tế nợ công của Việt Nam đã lên tới xấp xỉ 98% GDP, vượt xa mức trần an toàn khuyến nghị bởi WB (65%)

Dự trữ ngoại hối khoảng 32 tỷ USD

Theo báo cáo vĩ mô năm 2014 của công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong năm 2013 tỷ giá ổn định, xuất siêu dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay.

Dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt khoảng 32 tỷ USD lớn nhất từ trước đến nay, tương đương với 12 tuần nhập khẩu, tăng mạnh so mức 24 tỷ USD (gần 9 tuần nhập khẩu) đạt được trong năm 2012. Khi các nguồn vốn FII, FDI, ODA có mức độ giải ngân tốt, cùng với đó là dòng kiều hối tiếp tục tăng mạnh.

Trong đó, đáng lưu ý, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân trong năm 2013 đạt 4,5 tỷ USD. Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết của cả năm 2013 ước đạt trên 7 tỷ USD, tăng gần 20% so với mức của năm 2012. Dự kiến mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi cả năm 2013 đạt khoảng 4,5 tỷ USD. Trong đó, các nhà tài trợ có mức giải ngân cao trong năm 2013 là: WB (hơn 1 tỷ USD); Nhật Bản (1,75 tỷ USD); ADB (763 triệu USD); Hàn Quốc (215 triệu USD)...

Nợ công lên tới 80 tỷ USD vào 2014

Theo BSC, nợ công không gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam trong năm 2013 theo số liệu trên Đồng hồ nợ công thế giới (Global debt clock) ở mức 70,3 tỷ USD chiếm 49,6% GDP.

"Theo số liệu này thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam vẫn ở mức an toàn. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là nếu tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, thì con số thực tế nợ công của Việt Nam đã lên tới xấp xỉ 98% GDP, vượt xa mức trần an toàn khuyến nghị bởi WB (65%). Năm 2014 dự báo nợ công Việt Nam sẽ tăng khoảng 11,5% lên mức gần 80 tỷ USD (48% GDP)", BSC dự báo.

Theo BSC, năm 2014 nâng trần bội chi lên 5,3% GDP. Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch, trong khi đó chi tiêu công không thể giảm và trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách.

Việc nâng trần bội chi ngân sách trước những khó khăn hiện tại của nền kinh tế là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc nâng trần bội chi sẽ làm tăng rủi ro nợ công và phá vỡ mục tiêu đặt ra trước đây là giảm dần bội chi. Do đó, trong năm 2014 Việt Nam cần phải có mục tiêu trung hạn rõ ràng cụ thể, tuân thủ kỷ luật ngân sách, phối hợp với các chính sách khác như chính sách tín dụng, tiền tệ, tỷ giá để đảm bảo kiểm soát việc tăng bội chi ổn định và giảm dần bội chi ngân sách những năm tiếp theo ngay khi tình hinh kinh tế đi vào ổn định.

"Và với xu hướng hiện tại, nhiều khả năng Chính Phủ sẽ tăng cường đầu tư hạ tầng (đường, điện) vào năm sau để kích thích kinh tế và đáp ứng nhu cầu của khối FDI. Do đó Chính Phủ cũng sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu Việt Nam Đồng hoặc/và USD (với lãi suất đang ở vùng thấp), để có nguồn vốn tài trợ cho đầu tư", báo cáo cho biết.

GDP có thể quay lại con số 6%

 Theo BSC, năm 2014 được đánh giá là năm mà kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi dựa trên những tiền đề đã đạt được trong năm 2013. GDP 2014 được dự báo tăng khoảng 5,7% - 5,8% cao hơn năm 2013 (5,4%) nhưng vẫn sẽ ở mức thấp so với tiềm năng (6%); do những thách thức còn tồn đọng trong vấn đề giải quyết dứt điểm nợ xấu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ những năm trước, Chính phủ nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu (khoảng 7% - 8%/năm) nhằm ưu tiên củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, hướng tới duy trì sự vững chắc trong dài hạn hơn là tăng trưởng cao trong ngắn hạn nhưng thiếu bền vững.

BSC cho rằng, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm; khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn. Khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng nhưng không có sự đột biến trong năm 2014; nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi về cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013; khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013 nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế.

Năm 2014 cũng được coi là năm “bản lề” để xét khả năng phục hồi và tài cơ cấu nền kinh tế tạo tiền đề cho những bước “chuyển mình mạnh mẽ hơn” trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên để đạt được điều này sẽ phụ thuộc rất lớn vào định hướng chính sách điều hành cũng như quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế, mở cửa hơn với NĐT nước ngoài từ phía Nhà Nước Việt Nam.

"Năm 2014 vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức, kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo sau đó hoàn toàn có thể quay trở lại mức tăng trưởng cao trên 6% trước đó", BSC nhận định.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *