Dòng chảy vốn 11/12/2015 09:48

Bộ ra Thông tư mới, doanh nghiệp vẫn than mất tiền tỷ

FICA - Mặc dù có sửa đổi so với trước nhưng Thông tư 37/2015/TT-BCT (Thông tư 37) vẫn bị doanh nghiệp (DN) chê tơi tả. Có DN cho biết, nếu Thông tư 37 tiếp tục áp dụng họ phải mất 3 tỷ đồng mỗi năm

Ngày 10/12, Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương (CIEM), cùng Hiệp hội dệt may Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp về Thông tư 37 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm (những loại hóa chất có khả năng gây ung thư ) được ban hành ngày 30/10/2015 thay thế Thông tư 32/2009/TT-BCT (Thông tư tạm) đã tồn tại 6 năm và bị nhiều DN tố hàng loạt bất cập, nhiêu khê.


Các DN dệt may vẫn than Thông tư mới thay thế về kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương dù có một số thuận lợi nhưng vẫn gây phiền hà cho DN

Các DN dệt may vẫn than Thông tư mới thay thế về kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương dù có một số thuận lợi nhưng vẫn gây phiền hà cho DN

Theo đó, những điểm mới của Thông tư 37 đã được Ban soạn thảo của Viện CIEM đưa ra như: các giấy tờ thủ tục ít hơn, kích thước mẫu nhỏ hơn và Bộ công nhận nhãn sinh thái ở các sản phẩm dệt may sẽ không bị kiểm tra… Tuy nhiên, báo cáo chỉ rõ, những sửa đổi này chủ yếu ở những lô hàng nhỏ, những trường hợp không phổ biến. Về cơ bản, những sửa đổi này chưa tháo gỡ được bất cập của Thông tư 32, thậm chí một số quy định còn kém thuận lợi so với Thông tư 32.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện CIEM khẳng định: Mặc dù Bộ Công Thương đưa dự thảo Thông tư 37 cho các DN, hiệp hội góp ý, nhưng sau khi ban hành, nhiều DN cho rằng, những bất cập được “mách nước” để tháo gỡ vẫn “đâu đóng đó”. Vì vậy, nếu những tồn tại không sớm được sửa đổi sẽ tiếp tục gây phiền toái cho các DN.

Cũng với lý do trên, bà Tống Thị Bích Huệ, đại diện Hiệp hội Dệt may bức xúc: Nội dung của Thông tư 37 hoàn toàn khác với các dự thảo khi đưa ra cho các Bộ, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia, góp ý.

Bức xúc hơn, theo đại diện Công ty May Nhà Bè, công ty này đã nhận góp ý cho Bộ Công Thương về dự thảo thay thế Thông tư 32 nhưng khi dự thảo xây dựng xong, những ý kiến của doanh nghiệp không được quan tâm, đoái hoài gì. Vì vậy, khi ban hành Thông tư 37 thay thế Thông tư 32, nhiều hạn chế vẫn được còn đó.

Đại diện của Hiệp hội dệt may vạch rõ: Trong Thông tư 37, nội dung nhận được nhiều phản hồi nhất của các DN là quy định khi cơ quan chức năng “kiểm tra xác suất” thì DN phải trả chi phí. Nhu vậy, nếu thực hiện đúng trình tự kiểm tra tất cả các lô, các mẫu, DN sẽ phải tốn cả trăm triệu đến vài tỷ đồng, vì vậy các DN cho quy định chi phí kiểm tra xác suất đổ về DN là không hợp lý.

Bà Huệ nhấn mạnh: “Trên thực tế, DN chỉ chuyển mẫu đến cho cơ quan chức năng kiểm tra theo thủ tục hành chính, chứ ít trường hợp kiểm tra đột xuất, ngoại trừ những DN làm ăn gian dối. Trong khi đó nếu quy định tất cả chi phí “kiểm tra xác suất” DN sẽ phải chịu gây khó khăn cho DN, phát sinh hai khả năng: Cơ quan nhà nước tăng cường mật độ, cường độ kiểm tra gây nhũng nhiễu DN, dễ nảy sinh “cơ chế xin - cho”. Thứ hai, đây là điều kiện và cơ hội cho cơ quan chức năng “hành” DN, từ đó phát sinh chi phí “lót tay”, “bôi trơn” cho cơ quan chức năng.

Một doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội gửi tham luận đến hội nghị (đề nghị dấu tên) nêu rõ những bất cập: Với Thông tư 37, doanh nghiệp phải tốn từ 1,67 triệu đồng/mẫu hàng dệt may để kiểm tra. Quy định, mỗi lô một lô cần kiểm tra phải có từ 3-4 mẫu, có lô kiểm tra tới 7 mẫu. Về thời gian, doanh nghiệp phải chờ 3-5 ngày làm việc mới có kết quả, còn nếu muốn nhanh hơn thì phải tốn thêm chi phí (khoảng 700.000 đồng lấy trong ngày).

DN này cho hay: Nếu muốn lấy nhanh hàng kiểm tra để phục vụ sản xuất, chỉ riêng chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM, DN này phải tốn gần 3 tỷ đồng cho khâu kiểm tra này. Do vậy, theo DN này, nếu Thông tư không sớm được sửa đổi về phí công ty sẽ sớm tốn kém khá nhiều chi phí lưu kho và thời gian về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, đại diện Tổng công ty Đức Giang, những bất cập của Thông tư 37 vẫn nhiều, trong đó đặc biệt là việc yêu cầu kiểm tra hàng hóa ngay tại cửa khẩu, không được đem hàng hóa về nên ảnh hưởng ngay đến chi phí lưu kho lưu bãi.

“Khi mà Thông tư 37 bắt kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu và lưu kho, lưu bãi thì đợt hàng của chúng tôi nhập về kéo dài thời gian sản xuất, ảnh hưởng tiến độ giao hàng, xuất khẩu. Bên cạnh đó, những phí tổn do phí lưu kho, lưu bãi sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Trong khi nếu hàng nhập về kho, Hải quan kiểm tra phát hiện, DN hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Tuấn cho hay.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *