Đời Sống 25/06/2014 11:35

Vụ nghe lén 14.000 điện thoại: Kiếm bạc tỉ qua trò “ăn cắp” đời tư

FICA - Nhiều ngày nay dư luận bàng hoàng trước vụ việc phát hiện chấn động của cơ quan điều tra về Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng sử dụng phần mềm nghe lén 14.000 điện thoại.

Từ lâu nay, điện thoại luôn là một thứ gắn liền cuộc sống riêng tư của mỗi người. Mỗi chiếc điện thoại đều chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng về đời tư. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của từng cá nhân, nghiêm trọng hơn nếu một người có vị trí quan trọng và tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội sẽ gây tác hại đến an ninh trật tự và chính trị.
 
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng có giấy phép kinh doanh phần mềm, vì vậy đây cũng là một khó khăn đối với cơ quan điều tra. Theo Đại tá Lê Hồng Sơn – Trưởng phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội, đây chính là kẽ hở để các tổ chức và cá nhân lách luật. Khi đăng ký kinh doanh trên giấy phép không ghi rõ kinh doanh phần mềm gì nên rất khó để xử lý đối với những trường hợp này.
 
Vụ nghe lén 14.000 điện thoại: Kiếm bạc tỉ qua trò “ăn cắp” đời tư
Đại Tá Lê Hồng Sơn cho biết Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng đã thu lợi hàng tỉ đồng từ việc bán phần mềm nghe lén
 
Mặt khác, hiện chưa có chế tài xử lý hành vi bán phần mềm như Ptracker của Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng. Điển hình, tại thời điểm kiểm tra máy chủ của Việt Hồng vẫn đang thể hiện theo dõi hơn 700 thuê bao điện thoại và lưu trữ thông tin của hơn 14 nghìn thuê bao khác.
 
Cũng theo Đại tá Sơn, Việc Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng lập trình, cài đặt và phát tán phần mềm Ptracker để thực hiện thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại và lưu giữ tại máy chủ đã vi phạm Khoản 2 Điều 71 - Luật Công nghệ thông tin.
 
Mặt khác, việc ngăn chặn khả năng của người dùng điện thoại xóa bỏ hoặc hạn chế sử dụng ptracker của Việt Hồng cũng vi phạm Khoản 4 Điều 71 - Luật Công nghệ thông tin; hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị số vi phạm Khoản 5 Điều 71 - Luật Công nghệ thông tin; hành vi làm mất an toàn, bí mật thông tin của người sử dụng điện thoại vi phạm Điểm đ, Khoản 2 Điều 72 - Luật Công nghệ thông tin.
 
Ngoài ra, việc Công ty Việt Hồng quảng cáo trên trang web dịch vụ “theo dõi đối tượng” là dịch vụ cấm kinh doanh (sử dụng bất hợp pháp thông tin riêng, quy định cấm tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 72/2003/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet trên mạng), vi phạm Khoản 1, Điều 8 - Luật Quảng cáo.
 
Về số tiền Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng được lợi, qua kết quả xác minh của đoàn thanh tra liên ngành tại VNPT ePay và một số ngân hàng, trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2013 đến thời điểm thanh tra, Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng đã thu lợi bất chính từ hoạt động bán phần mềm theo dõi gần 1 tỉ đồng.
 
Để thu được tiền của khách hàng, Công ty này xử dụng nhiều cách thức khác nhau như mở tài khoản tại các ngân hàng như Agribank, Vietcom bank… Khi người sử dụng cài đặt xong phần mềm nghe lén, thì ra các điểm giao dịch của ngân hàng thanh toán. Đến khi đó, Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng mới kích hoạt tài khoản chế độ theo dõi điện thoại.
 
Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng còn mở tài khoản thanh toán trên trang VNPT Epay. Khách hàng chỉ cần mua thẻ nạp tiền điện thoại và thanh toán theo cú pháp tin nhắn đã được hướng dẫn.
 
Về xử lý Công ty trên, Đại tá Lê Hồng Sơn nhận định, đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, vì vậy đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an Hà Nội) để mở rộng điều tra, xử lý. Thời điểm thanh tra, một phần dữ liệu trong máy chủ đã bị xóa.
 
Để tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định tại Điều 67 Luật Công nghệ thông tin, Cơ quan điều tra sẽ xem xét, kết luận và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng, tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng của người dân khi mua sắm, sử dụng các thiết bị số.
 
Đối với người dân, Đại tá Sơn đưa ra cảnh báo: “Để tránh bị cài đặt phần mềm nghe lén, người sử dụng điện thoại phải lưu ý không để người khác tiếp xúc với điện thoại của mình, không truy cập vào các trang web đen, tải các đường link không rõ nguồn gốc về máy điện thoại của mình. Đặc biệt không cài đặt các phần mềm trôi nổi, miễn phí mà nên sử dụng các phần mềm được cung cấp và cam kết của các nhà sản xuất điện thoại có uy tín”.
 
Lê Tú
Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *