Đời Sống 21/06/2014 12:37

Nhà báo một tay ở Tây Ninh

FICA - Với 1 cánh tay, anh đã trải qua không biết bao nhiêu vất vả, gian nan; đặc biệt là khi anh khởi nghiệp bằng nghề phóng viên truyền hình với chiếc máy quay phim nặng gần chục kg.

Một tay vẫn vác máy quay tác nghiệp

Có lẽ nhà báo Lê Thanh Thọ (sinh năm 1958) cũng không phải là 1 cái tên quá xuất sắc trong làng báo tỉnh Tây Ninh. Thế nhưng, ít ai làm báo ở tỉnh này mà chưa nghe đến tên anh. Đơn giản vì anh khá đặc biệt, một nhà báo mà ngay từ những ngày đầu vào nghề đã chỉ có một cánh tay.

Nhà báo Lê Thanh Thọ
Nhà báo Lê Thanh Thọ

Sinh ra tại tỉnh Thái Nguyên, anh là một trong những người đầu tiên được tỉnh nhà chọn đi Liên Xô học chuyên ngành về cơ khí. Năm 1976, trở về từ Liên Xô, Thọ công tác tại nhà máy phụ tùng ô tô số 1 Thái Nguyên. Công tác tại nhà máy này được 3 năm thì trong lúc sửa chữa thiết bị máy móc anh bất ngờ bị tai nạn lao động. Anh may mắn sống sót nhưng tai nạn ấy đã cướp đi vĩnh viễn cánh tay phải của anh.

 

Anh Thọ còn nhớ như in vụ tai nạn xảy ra vào một ngày cuối tháng 8/1980. Trong một ngày làm việc bình thường như mọi ngày, khi anh đang thao tác sửa chữa máy thì bỗng dưng dây chuyền chuyển động đột ngột, anh không kịp rút tay ra nên một cánh tay bị kẹt lại. Anh được đồng nghiệp chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng không cứu được cánh tay phải. Anh kể: “Dù rất tuyệt vọng nhưng được gia đình an ủi nên cảm giác buồn chán cũng qua nhanh. Mình vẫn phải tiếp tục với cuộc sống thực tại mà!”.

 

Sau khi bị tai nạn, Thọ được điều chuyển sang bộ phận công tác nhẹ nhàng hơn. Muốn đóng góp nhiều hơn cho cơ quan, anh tích cực tham gia các phong trào văn nghệ. Dù chỉ còn một tay nhưng anh luôn là tay trống chính của cơ quan mỗi khi có hoạt động giao lưu văn nghệ.

 

Cuối những năm 1980, tình cờ có đoàn ca múa nhạc võ thuật Tây Ninh đến Thái Nguyên biểu diễn và giao lưu với đội văn nghệ của xí nghiệp cơ khí Thái Nguyên. Kết thúc buổi giao lưu, đại diện đoàn Tây Ninh đã đánh tiếng mời anh tham gia cùng đoàn và anh theo đoàn về Tây Ninh sinh sống, làm việc.

 

Theo đoàn ca múa nhạc võ thuật Tây Ninh được khoảng 3 năm thì đoàn ngưng hoạt động do thiếu kinh phí, anh chuyển về công tác tại Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Tây Ninh, phụ trách mảng thể thao của tỉnh. Trong thời gian công tác tại đây, anh Thọ được giới thiệu cộng tác với Đài phát thanh-truyền hình tỉnh Tây Ninh làm chuyên mục thể thao.

 

Anh kể: “Ban đầu lãnh đạo đặt thẳng vấn đề, phóng viên thể thao phải biết quay phim, dựng hình rất vất vả, anh trả lời dứt khoát là người khác làm được thì em cũng làm được… Về sau suy nghĩ lại mình cũng thật liều lĩnh!”.

 

Liều lĩnh vì chỉ với 1 cánh tay, việc vác chiếc máy quay phim kiểu cũ nặng gần 10kg để tác nghiệp là 1 công tác cực kỳ gian khổ. Không ít phóng viên truyền hình đầy đủ tay chân nhưng hơi thấp bé nhẹ cân đều không thể theo nghề này vì công việc quá cực nhọc. Việc vác máy nặng di chuyển theo các sự kiện mang tính vận động nhiều như ngành thể thao càng vất vả hơn phóng viên truyền hình các mảng khác. Thế nhưng, nhờ kiên trì khổ luyện và không ngừng học hỏi nên dần dần anh cũng quen việc và trở thành phóng viên truyền hình “đặc dị” nhất tỉnh.

 

Yêu nghề nên cứ phải xông pha

Dù bị mất một cánh tay nhưng anh Thọ vẫn nỗ lực hết mình để chủ động trong công việc. Anh cũng không phải là dạng phóng viên thích nhàn nhã theo kiểu dựng chân máy một chỗ rồi đặt máy quay lên quay suốt buổi. Đặc thù của phóng viên truyền hình theo mảng thể thao buộc anh phải khuân vác máy chạy theo chủ thể là các vận động viên điền kinh, bóng đá,… hay phải lăn lê bò toài để tìm các góc đẹp quay các cảnh thi đấu võ thuật, bơi lội…

 

Anh kể: “Khó nhất là quay các cuộc thi bơi lội. Để có hình đẹp, nhiều lúc mình phải leo lên mái nhà để quay từ trên xuống dưới lấy toàn cảnh hồ bơi. Mình thì chỉ có 1 tay cầm máy, chẳng còn tay nào để vịn nên cũng run lắm!”.

Vì ham khám phá và mải mê với công việc, không ít lần anh lạc đoàn khi tác nghiệp. Anh vui vẻ nhắc lại một kỷ niệm nhớ đời: “Một lần tác nghiệp ở đại hội thể dục thể thao toàn quốc, về trễ mà mình không rành đường nên tìm mãi mới ra khách sạn mà đoàn được bố trí ở. Lúc về đến nơi thì khách sạn đã đóng cổng, gọi cửa không được nên mình phải nhét cái máy quay phim vào gầm cổng rồi cố sức leo qua cổng rào vào trong. Lúc leo lên mình không lo té mà chỉ sợ có thằng nào đi ngang qua vác cái máy quay chạy thì chỉ còn nước ngồi trên cổng rào mà khóc thôi!”.

 

Gian nan là thế nhưng anh cũng bám trụ được với nghề phóng viên truyền hình được 3 năm rồi chuyển sang làm báo viết. Năm 1999, anh về phụ trách mảng thể thao ở báo Tây Ninh. Hiện nay, hầu hết các sự kiện thể thao trong, ngoài tỉnh anh đều tham gia đưa tin và là một trong những tay viết kỳ cựu có tiếng của tòa soạn báo Tây Ninh.

Hiện anh đã chuyển sang làm báo viết nên đỡ cực nhọc hơn
Hiện anh đã chuyển sang làm báo viết nên đỡ cực nhọc hơn

Trong cuộc sống riêng, anh lập gia đình khá muộn. Đến nay anh có một cô con gái 8 tuổi. Nghề báo chỉ đủ để anh kiếm sống, không dư dả gì. Đôi lúc anh muốn bỏ nghề làm gì đó kiếm được nhiều tiền hơn, ổn định hơn để vợ con có cuộc sống sung túc hơn. Nhưng khi đeo nghề anh mới thấy cái nghiệp quấn thân, chẳng dứt ra được.

 

Mỗi khi nói về chuyện nghề là giọng anh sang sảng, đôi mắt sáng rỡ. Anh kể về từng tấm hình mà mình đã chụp cho cậu nhóc vận động viên A., B. Anh háo hức kể chuyện tụi nhỏ nôn nao chờ những tấm hình anh post lên facebook sau mỗi trận đấu. Anh kể về những dự định dành dùm tiền để mua sắm máy ảnh tốt hơn, ống kính xịn hơn để chụp những tấm hình đẹp nhất cho ngành thể thao tỉnh nhà… Với anh, cái nghiệp làm báo đã là cái duyên, không còn đơn giản là một nghề kiếm cơm!

 

Tùng Nguyên - Vĩnh Phú

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *