Doanh nghiệp 22/03/2014 16:37

"Soi" rủi ro nợ xấu của 7 ngân hàng niêm yết

FICA - Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo ngành ngân hàng, trong đó đánh giá về rủi ro nợ xấu đối với 7 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán.



Vietcombank

BVSC cho biết, cuối năm 2013, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) đã làm việc với cơ quan thanh tra và xin dữ liệu của CIC để so sánh với kết quả phân loại nợ hiện tại. Nhìn chung, kết quả phân loại nợ của VCB đã tương đối chặt chẽ. Nếu áp dụng triệt để thông tư 02/2013/TT-NHNN, VCB còn phải tiến hành trích lập cho các khoản trái phiếu doanh nghiệp và xếp loại đúng nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780.

Trái phiếu doanh nghiệp hiện tại của VCB khoảng hơn 2.000 tỷ (1.100 tỷ đồng tính đến cuối 2012 và khoảng 1.500 tỷ đồng trái phiếu Vinacomin). Các khoản nợ cơ cấu lại theo quyết định 780 của VCB còn khoảng trên 7.000 tỷ đồng.

Như vậy, trong trường hợp xấu nhất (toàn bộ các khoản nợ được cơ cấu lại theo 780 là nợ xấu), thì nợ xấu của VCB sẽ tăng gấp đôi (khoảng 5%) khi Thông tư 02 được áp dụng triệt để. Tuy nhiên, với những thay đổi trong thông tư 02/2013/TT-NHNN vừa qua, chi phí trích lập dự phòng và nợ xấu của VCB sẽ ít chịu ảnh hưởng, và do đó, rủi ro về nợ xấu của VCB không lớn.

VietinBank

Kết thúc năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - CTG) giảm còn 1% (trên tổng dư nợ 373.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, BVSC vẫn còn quan ngại về rủi ro nợ xấu của CTG do ngân hàng hiện chỉ áp dụng phương pháp định lượng trong phân loại nợ. Đồng thời, tại 31/12/2013, CTG nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, khoảng 30.000 tỷ đồng.  

Ngoài ra, CTG còn một số khoản vay rủi ro như nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 và cho vay EVN,.. Tuy nhiên, những khoản này sẽ chưa ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của ngân hàng trong năm 2014.

BIDV

Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) thời điểm cuối năm 2013 là 7.296 tỷ đồng (tương đương với tỷ lệ nợ xấu đạt 1,9% giảm so với mức 2,7% cuối năm 2012). Trong năm 2013, BIDV đã sử dụng khoảng 6.134 tỷ đồng dự phòng để xử lý nợ xấu, đồng thời trích lập thêm gần 6.500 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 80% so với 2012). BIDV cũng đã phân loại nợ theo cả phương pháp định tính và định lượng. Nhìn chung, rủi ro nợ xấu của BID trong năm 2014 không quá đáng lo ngại.

Tuy nhiên, là một ngân hàng thương mại nhà nước, BVSC cho rằng BID có rất nhiều khoản vay được chỉ định và các khoản cho vay các tập đoàn nhà nước.

Theo BID, các khoản cho vay đối với EVN chỉ khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên ngân hàng vẫn còn rất nhiều khoản cho vay các công ty con, công ty liên kết của EVN. Các khoản nợ cho Vinashin và Vinalines ở mức dưới 0,5% tổng dư nợ (khoảng 1.895 tỷ đồng) và một phần của khoản nợ này được xếp ở nhóm 2.

Sacombank

Nửa đầu năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank - STB) tăng dần từ 2,05% lên 2,51%. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,46% STB sử dụng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu. Hiện tại STB mới chỉ áp dụng phương pháp định lượng trong phân loại nợ, do đó, tỷ lệ nợ xấu của STB trong năm 2014 có thể sẽ tăng tương đối nhiều khi ngân hàng phải áp dụng cả phương pháp định tính và định lượng chính thức từ 1/6/2014.  

Về trích lập dự phòng, trong năm 2014, STB sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ quá hạn cũng như dự phòng cho các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC theo quy định của NHNN. Thông tư 02 được áp dụng có thể khiến chi phí dự phòng của ngân hàng tăng lên do một số điều khoản cho vay sẽ chặt chẽ hơn trước.

Ngoài ra, STB còn phải rà soát, phân loại và xếp hạng đúng đối với các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, các công ty liên kết. Đây cũng là yếu tố đẩy chi phí dự phòng gia tăng trong năm nay.

MBB

Theo BVSC, không nằm ngoài xu thế chung của ngành, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - MBB) trong năm 2013 cũng tăng từ 1,9% lên 2,6% vào 30/9/2013 và giảm xuống còn 2,2% tại 31/12/2013 sau khi đã dùng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, MBB đã áp dụng kết hợp phương pháp định tính và định lượng trong phân loại nợ xấu từ năm 2008 và chỉ nắm giữ khoảng 200 tỷ trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, MBB sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều khi áp dụng Thông tư 02 sửa đổi.

ACB

ACB công bố tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,03% vào thời điểm cuối năm 2013, cao hơn mức 2,5% ở năm ngoái. Chi phí trích lập dự phòng cũng tăng mạnh 54% so với năm trước lên 1.085 tỷ đồng. Trong đó trích cho các khoản rủi ro tín dụng chiểm khoảng 44%, phần còn lại là các khoản cho vay quá hạn liên ngân hàng và các tài sản có vấn đề khác. Điều này cho thấy ACB đang nỗ lực trong việc minh bạch hoá thông tin với mức trích lập dự phòng tương đối cao.  

Trong năm 2014, ACB phải tăng trích lập dự phòng đối với một số khoản cho vay đáng lưu ý như các khoản cho vay, mua trái phiếu, các tài sản phải thu, các khoản lãi phải thu liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên là 7.128 tỷ đồng, khoản dư nợ cho vay Vinalines trị giá 854 tỷ đồng và lãi dự thu 136 tỷ đồng, khoản ủy thác đầu tư thông qua một số nhân viên gửi tại CTG là 719 tỷ đồng và lãi dự thu 37 tỷ đồng có liên quan đến vụ án của Huyền Như.

Ngoài ra ngân hàng còn phải trích lập dự phòng đối với khoản tiền gửi quá hạn trị giá 772 tỷ đồng tại một ngân hàng khác. Đã được 6 tháng kể từ thời điểm ACB công bố số dư của tài sản có vấn đề này. Như vậy, mức trích lập dự phòng năm nay sẽ tăng lên do thời gian quá hạn tăng.

Eximbank

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank - EIB) là ngân hàng thường xuyên có mức trích lập dự phòng thấp hơn so với các ngân hàng niêm yết khác trong khoảng 5 năm gần đây. Tỷ lệ NPL cuối năm 2013 ở mức 1,98%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân ngành là 3,8%. Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2013 đã tăng 25% so với năm trước nhưng con số trích lập chỉ đạt 300 tỷ đồng.

Theo BVSC, điều này cho thấy chính sách dự phòng của EIB khá thấp so với thực tế. Do đó, thông tư 02 áp dụng nhiều khả năng sẽ đẩy chi phí dự phòng của EIB tăng cao để phản ánh đúng hơn tình hình thực tế của các khoản dư nợ. Ngoài ra sẽ phải tăng trích lập dự phòng cho trái phiếu Vinashin và nợ xấu đã bán cho VAMC.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *