Doanh nghiệp 30/10/2014 21:34

Vietnam Airlines: Đang tìm cổ đông chiến lược, không thoái vốn khỏi Jetstar Pacific

FICA - Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, dự kiến tới ngày 16/2/2015 sẽ hoàn tất việc ký kết bán cổ phần cho cổ đông chiến lược. Hiện Vietnam Airlines cũng không có kế hoạch thoái vốn tại Jetstar.

Sáng 30/10, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức roadshow giới thiệu tới các nhà đầu tư cơ hội tham gia đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty mẹ - Vietnam Airlines.

Buổi roadshow diễn ra tại TPHCM và Hà Nội vào 2 ngày (30 và 31/10) nhằm chuẩn bị cho đợt IPO vào sáng ngày 14/11 tới đây. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ đấu giá 49 triệu cổ phần với giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần vào giữa tháng 11. 

Báo cáo tại buổi roadshow, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, 9 tháng đầu năm nay, công ty mẹ - Vietnam Airlines  có lãi khoảng 100 tỷ đồng và tại các công ty con đánh giá sơ bộ thì lợi nhuận đều vượt kế hoạch 9 tháng. 

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết, tổng tài sản theo giá trị sổ sách của Vietnam Airlines khoảng hơn 57 nghìn tỷ đồngtrong những năm qua, Vietnam Airlines luôn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu vào khoảng 10%/năm và tăng trưởng về số lượng hàng khách trong vòng 5 năm từ 2008 - 2013 đạt 11%/năm, cao hơn mức trung bình của hàng không thế giới.

Đã khởi động kế hoạch tìm nhà đầu tư chiến lược

Theo phương án cổ phần hóa, Vietnam Airlines sẽ có vốn điều lệ sau cổ phần hóa hơn 14.100 tỷ đồng, tương đương hơn 1,41 tỷ cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là: Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 20%; bán đấu giá công khai 49 triệu cổ phần, tương đương 3,465%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, song song với kế hoạch phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng, từ tháng 9/2014, Vietnam Airlines đã khởi động kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Vietnam Airlines cũng dự kiến sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông lần đầu vào ngày 12/3/2015. 

Riêng về kế hoạch tìm nhà đầu tư chiến lược, ông Phạm Viết Thanh cho biết đến nay, Vietnam Airlines đã nhận được hồ sơ từ 2 nhà đầu tư chiến lược. Ngày 24/11 tới đây, Vietnam Airlines sẽ xây dựng và xin phê duyệt tiêu chí chi tiết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Dự kiến tới ngày 16/2/2015 sẽ hoàn tất việc ký kết bán cổ phần cho cổ đông chiến lược.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước giai đoạn đầu tại sao lại là 75% mà ko phải là 49% hay 51% như doanh nghiệp khác, ông Thanh cho rằng, với quy mô vốn điều lệ 10.500 tỷ đồng hiện tại của Vietnam Airlines thì trong tương lai cần nguồn vốn cân đối để kinh doanh có hiệu quả.

Theo đó, với phương án khi cổ phần hóa là giữ nguyên vốn Nhà nước và phát hành thêm cổ phiếu thì tỷ lệ 75% là phù hợp với tình hình của Vietnam Airlines và phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới tỷ lệ này có thể được giảm xuống bằng hoặc lớn hơn 65%.

Hệ số nợ cao hơn chuẩn

Theo ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines, hiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines không tính các khoản nợ có tính đặc thù là 4,3 lần. Trong đó, riêng nợ dài hạn/vốn chủ sở hữu là 3,7 lần, dù là đặc thù ngành nhưng vẫn cao hơn 1,8 lần so với bình quân khu vực.

Tuy nhiên, ông Hiền cũng khẳng định, dù hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao nhưng Vietnam Airlines vẫn kiểm soát tốt khả năng thanh toán và có thể dự phòng trước rủi ro khả năng thanh toán.

Theo ông Hiền, Vietnam Airlines đang tiến hành tăng quy mô vốn chủ sở hữu để giảm giảm tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu xuống. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ tích cực và đẩy nhanh cổ phần hóa, tiến hành cổ phần hóa giữ nguyên vốn nhà nước và phát hành cổ phiếu để thu hút vốn. Dự kiến, tới năm 2018, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines sẽ tăng lên 26 nghìn tỷ, so với hơn 10 nghìn tỷ tính tới thời điểm cuối năm 2013.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng tính tới phương án kiểm soát lượng vốn vay cân đối với tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Không có kế hoạch thoái vốn tại Jetstar Pacific

Tại phiên thảo luận, ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNA cho biết, hiện Vietnam Airlines đang nắm cổ phần chi phối tại Jetstar Pacific, Combodia Angkor Air và VASCO. Trước những thông tin về việc sẽ tách Jetstar Pacific ra khỏi Vietnam Airlines, ông Thanh khẳng định, Viẹtnam Airlines hiện không có kế hoạch thoái vốn tại đơn vị này.

Trước đó, tại buổi làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, về lâu dài ngành hàng không phải tách Jetstar Pacific ra khỏi Vietnam Airlines để người dân, hành khách đi máy bay có thể được hưởng dịch vụ và giá cả hợp lý hơn.

Jetstar Pacific Airlines tiền thân là Pacific Airlines (JPA) được thành lập năm 1992 với hoạt động là cung cấp các dịch vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa trên các chuyến bay nội địa và quốc tế. JPA là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam hoạt động theo mô hình giá rẻ (chi phí thấp). Ngày 21/02/2012, quyền đại diện vốn Nhà nước tại JPA được chuyển về Vietnam Airlines theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Jetstar Pacific được đánh giá là một nhân tố giúp kéo tụt lợi nhuận của hàng năm Vietnam Airlines khi hãng hàng không này liên tục thua lỗ trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, từ 2008 đến 2012, Jetstar Pacific luôn trong tình trạng thua lỗ, trong 6 năm từ 2008 - 2013, lỗ 1.934 tỷ đồng, âm vốn điều lệ 736 tỷ đồng tính đến hết năm 2013.

Việc chuyển giao quyền đại diện vốn Nhà nước và việc tái cơ cấu JPA ban đầu đã giúp hoạt động kinh doanh của JPA cải thiện rõ rệt trong năm 2012. Tuy nhiên, cũng không khiến đơn vị này sớm thoát khỏi cảnh thua lỗ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm đáng kể từ (lỗ) 437 tỷ đồng năm 2011 xuống còn (lỗ) 213 tỷ đồng, tương ứng giảm 51.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *