Doanh nghiệp 17/02/2014 08:30

TS Mai Liêm Trực: 'Tách Mobifone, VNPT thiệt thòi lớn'

TS Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông cho biết nếu đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT chính thức được thông qua, Mobifone sẽ tách ra khỏi VNPT sẽ là thiệt thòi lớn đối với VNPT và chắc chắn VNPT sẽ gặp khó trong ít nhất 1-2 năm đầu.

PV:- Thưa ông, Dự thảo lần cuối Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trình Chính phủ đã đề xuất phương án tách MobiFone khỏi VNPT, nhập về Bộ Thông tin và Truyền thông và trở thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Dù MobiFone sẽ gánh nhiệm vụ tiếp quản hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2 và Công ty Tài chính Bưu điện - ba đơn vị thua lỗ lớn của VNPT tại thời điểm này, song với những đơn vị được giữ lại tại VNPT cũng nặng gánh không kém.

 

Xin ông cho biết, VNPT sẽ phải đối mặt với những khó khăn như thế nào nếu đề án tách Mobifone chính thức được thông qua? Ông có hiến kế gì cho việc tái cấu trúc của VNPT để thực sự thành công?

 

TS Mai Liêm Trực: - Nếu tôi làm chủ VNPT tôi cũng không muốn tách Mobifone ra vì tách ra là một thiệt thòi rất lớn của VNPT. Mobifone là công sức của VNPT, là đứa con cả trong nhà của VNPT đang làm ăn tốt, chiếm tới 50-60% lợi nhuận của VNPT nên vạn bất đắc dĩ mới phải tách ra.

 

Nếu tách thì VNPT đương nhiên khó khăn mặc dù có cơ chế để VNPT vẫn chịu đựng nổi về mặt tài chính chứ không bị sốc quá lớn nhưng vẫn có những khó khăn trong 1 – 2 năm đầu.

 

Lỗi này cũng là của VNPT vì đáng lý nếu cổ phần hóa VNPT từ năm 2006 theo chủ trương của Thủ tướng thì vẫn có thể chiếm được 80% cổ phần của Mobifone chứ không phải bây giờ phải chia đôi và cạnh tranh với nhau. Mặc dù có nhiều lý do trong đó chủ yếu do nội tại VNPT và thêm 1 số lý do về kinh tế, giá cả, định giá tài sản phức tạp...

 

Khi Mobifone tách ra thì bản thân VNPT phải tái cấu trúc lại hoạt động của mình tức là phải xác định những sản phẩm mang lại hiệu quả, tập trung hơn chứ không thể làm dàn trải.

 

Ngoài ra phải xác định những sản phẩm mới trên thị trường, xác định mô hình tổ chức để thực hiện sản phẩm dịch vụ, tức là tái cấu trúc tổ chức.

 

TS Mai Liêm Trực
TS Mai Liêm Trực

 

Có thể không còn giữ nguyên Vinaphone mà tái cấu trúc phần hạ tầng riêng, phần dịch vụ riêng chuyên nghiệp hơn, thành lập những công ty trong nội bộ VNPT thành Tổng công ty Hạ tầng, Tổng công ty Dịch vụ, Tổng công ty Công nghệ thông tin... Khi tách ra Hạ tầng và Dịch vụ sẽ khớp với nhau chứ không đổ lỗi cho nhau.

 

Tái cấu trúc về quản trị doanh nghiệp như cơ chế về nhân sự, lao động, tiền lương, điều hành nghiệp vụ...

 

PV: - Nhân sự tại Vinaphone hiện đang được đánh giá là quá cồng kềnh, cách mà các đơn vị này chọn để thay đổi mình lại là tăng giá dịch vụ (cước 3G, cước gọi quốc tế chiều về), vậy liệu đây có phải là giải pháp tốt cho tái cơ cấu?

 

TS Mai Liêm Trực: - Khi thị trường có cạnh tranh quyết định giá do thị trường quyết định. Lâu nay ví dụ cước 3G thực ra Bộ đã có những quy định trong Luật, không được bán dưới giá thành nhưng Bộ chưa kiểm soát chặt việc này nên để cạnh tranh các doanh nghiệp viễn thông trước đó đã quy định mức giá thấp hơn giá thành rất là nhiều cho nên khi làm một thời gian thua lỗ đã tăng giá cước và người ta có thuyết minh với Bộ nên việc quyết định giá vẫn là việc của doanh nghiệp.

 

Theo tôi chủ yếu là do điều hành nghiệp vụ giá cước của cả doanh nghiệp và Bộ. Mặt khác trong hoạt động, luật cấm lấy dịch vụ này bù lỗ cho dịch vụ kia thì khi các doanh nghiệp mới tham gia thị trường họ chỉ có vài 3 dịch vụ, thì doanh nghiệp nhỏ rất dễ chết.

 

Không phải chỉ tăng cường số lượng người đi kiểm tra rà soát mà phải công khai minh bạch cơ sở tính giá thành để tính giá cước.

 

TS Mai Liêm Trực:
TS Mai Liêm Trực: "Tách Mobifone, VNPT chắc chắn sẽ khó khăn"

 

PV: - Nói tái cấu trúc tức là phải thay đổi cả mô hình quản trị, con người, còn nếu thấy không ổn thì cho phá sản, trong khi với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam nhân sự nhiều mà công việc là chuyển thư, từ điện tín, bưu phẩm. Liệu có thể hình dung một tương lai gần là đơn vị này lại thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả và nhà nước lại phải cứu không thưa ông?

 

TS Mai Liêm Trực: - Thật ra, đáng ra việc tách bưu chính phải làm sớm nhưng lại làm chậm nhưng có tín hiệu mừng là khi tách ra nhà nước đã có lộ trình hỗ trợ của nhà nước trong thời gian ban đầu. Từ năm 2014 nhà nước hoàn toàn không chu cấp gì nữa và có tín hiệu đáng mừng là khi tách ra nội bộ Tổng công ty Bưu chính Việt Nam đã có sự phát triển khá tốt và phấn đấu 2014 sẽ làm mạnh, không có trợ cấp của nhà nước và vẫn sống mạnh.

 

PV: Xin ông cho biết bình luận của mình về con số 95% thị phần viễn thông đang thuộc về công ty 100% vốn nhà nước?

 

TS Mai Liêm Trực: - Tôi rất tiếc từ năm 2000 đã có Pháp lệnh Bưu chính viễn thông là khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ Viễn thông nhưng 13 năm vừa qua thị trường viễn thông vẫn tồn tại 95% thuộc về doanh nghiệp nhà nước.

 

Quá trình này rất chậm chạp mà điển hình như cổ phần hóa Mobifone đã 8 năm nay chưa đi đến đâu, chúng ta cũng chưa tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia như các doanh nghiệp viễn thông nhỏ mới tham gia cũng rất khó khăn. Bàn tay nhà nước phải mạnh hơn không phải để can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp mà phải tạo sức ép cho các doanh nghiệp, về cơ chế công khai minh bạch để các doanh nghiệp khác tham gia thị trường cũng phải biết.

 

Thị trường viễn thông VN hiện nay, vì sao toàn Doanh nghiệp nhà nước mà vẫn cạnh tranh? Về nguyên tắc một chủ sở hữu không nên tổ chức nhiều đơn vị cạnh tranh trong 1 chủ sở hữu. Cạnh tranh ở Việt Nam như ông bố cho 3 đứa con ra ở riêng, thực sự chưa cạnh tranh hoàn toàn hiệu quả. Thậm chí 3 đứa con hoàn toàn tự chủ về tài chính thì khác, nhưng ông bố lại vẫn làm chủ khối tài sản, nên thị trường chỉ có doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh chưa hoàn chỉnh.

 

Muốn thị trường viễn thông thực sự cạnh tranh hoàn thiện phải có 1 đến 2 doanh nghiệp không phải nhà nước và phải chiếm 1/3 thị trường viễn thông.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thu Phương 

 Đất Việt

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *