Tiêu Dùng 16/07/2014 09:15

Tính cách “xử” tình trạng chậm, huỷ chuyến, chặt chém tại sân bay

FICA - Các quy định nhằm xử lý đối với những tổ chức, cá nhân khi để xảy ra tình trạng này hiện cũng đang là lỗ hổng.

Chiều 15/7, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng. Một nội dung thời sự được đề cập là quy định về kỷ luật, xử lý hành chính với cá nhân, tổ chức gây chậm, hủy chuyến bay.

Liên quan đến tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay dân dụng, cơ quan thẩm tra dự án luật - UB Pháp luật nhận định, đây là hành động vi phạm hợp đồng vận chuyển, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách.

Tuy nhiên, Luật Hàng không dân dụng hiện hành còn thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của DN, thiếu các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu mà các DN phải bảo đảm cho hành khách, trong trường hợp xảy ra chậm chuyến, hủy chuyến. Các quy định nhằm xử lý đối với những tổ chức, cá nhân khi để xảy ra tình trạng này hiện cũng đang là lỗ hổng.

Cơ quan thẩm tra đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của người vận chuyển trong trường hợp việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy; hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển, hoặc quy định việc kỷ luật lao động, xử lý hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra việc vận chuyển bị gián đoạn, bị chậm; chuyến bay bị hủy.

Tính cách “xử” tình trạng chậm, huỷ chuyến, chặt chém tại sân bay

 

Về quy định loại dịch vụ chuyên ngành hàng không do Nhà nước định giá, dự thảo luật đề xuất đưa vào thêm vào danh mục giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá dịch vụ hành khách.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, danh mục hàng hoá nhà nước thực hiện định giá luật giá chỉ cho phép định giá hoạt động cất cánh, hạ cánh, đảm bảo dịch vụ an ninh hàng không, soi chiếu sân bay… Bà Mai băn khoăn việc bổ sung nhiều loại giá như dự thảo luật sẽ “đá” luật Giá đã được Quốc hội ban hành.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải thích, giá quản lý dịch vụ bay trong vùng thông báo bay của Việt Nam bản chất không phải là mục phát sinh thêm vì loại giá này trước nay vẫn đã tính là phí. Chỉ có giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường là Bộ GTVT đề xuất bổ sung do yêu cầu của một số hãng hàng không hiện nay.

Ông Thăng dẫn giải, thông thường, các hãng bay chỉ đề ra tiêu chí kiểm soát 5% khách hàng nhưng gần đây, có hãng hàng không như của Isarel đề nghị việc kiểm soát người phải đạt 100% và họ tính thêm khoản thu từ việc tăng cường kiểm soát này.

Vì vậy, theo người đứng đầu ngành GTVT, cần thiết đưa loại giá dịch vụ an ninh tăng cường này vào danh mục định giá để nhà nước quản lý chứ không để các hãng tự định đoạt, muốn thu ở mức bao nhiêu cũng được.

Đề cập đến vấn đề giá dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay đang gây phản ứng trong dư luận hiện nay, cơ quan thẩm tra dự án luật nhận định, nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay nước ta bị nâng giá rất cao, gây bức xúc trong xã hội trong thời gian qua là do giá thuê mặt bằng cao và doanh nghiệp đã lợi dụng vị thế độc quyền của mình.

Ủng hộ việc đưa vào danh mục quản lý nhiều loại giá trong dịch vụ hàng không, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Giá dịch vụ chuyên ngành hàng không ở nước ta còn khá cao, nhất là một số dịch vụ phi hàng không và một số mặt hàng thiết yếu, dịch vụ độc quyền… Do đó cần có cơ chế để kiểm soát”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích thêm, nếu chỉ căn cứ theo luật Giá thì không xử lý được tình trạng giá một bát mì tôm tại các sân bay bị đội lên ngất ngưởng khiến dư luận bức xúc vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu góp ý, để tránh trường hợp như người dân phản ánh bát phở tại sân bay có giá tới 500.000-600.000 đồng thì không nên giao hẳn cho doanh nghiệp. Bộ GTVT phải xây dựng khung giá dịch vụ phi hàng không tại sân bay, trên cơ sở đó giao doanh nghiệp quy định giá chứ không “buông” hẳn cho doanh nghiệp.

Ngược lại, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lại lập luận, chuyện tô mì tôm giá 95.000 đồng như dư luận phản ánh hay bát phở, ly nước đá chanh, hàng lưu niệm bán tại sân bay… nhà nước không nên can thiệp. Nhà nước không định giá các loại dịch vụ phi hàng không tại sân bay như này mà cần thiết thì Bộ GTVT yêu cầu xem lại giá thuê mặt bằng tại sân bay của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ở đây là được.

“Khi việc này diễn biến phức tạp thì với trách nhiệm quản lý của nhà nước, Bộ GTVT phải chấn chỉnh tình trạng "bóp cổ" khách hàng thông qua cơ quan quản lý cảng hàng không” – nữ Phó Chủ tịch Quốc hội nêu nguyên lý.

P.Thảo
Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *