Tiêu Dùng 28/06/2014 07:10

Thị trường sữa: Áp giá trần triệt tiêu cạnh tranh

Áp giá trần là sử dụng biện pháp hành chính cứng nhắc, hiệu quả thấp nhất trong mọi cách thức quản lý giá.

Việc áp giá trần kiểu đánh đồng giữa DN nội và ngoại là thiếu công bằng và làm giảm động lực cạnh tranh của DN nội

Theo phương thức quản lý giá hiện hành, các DN phải cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước các thông tin về cấu thành giá, phải đăng kí giá hoặc quản lý thông qua giá trần và giá sàn. Mặc dù được liệt kê theo nhiều cách, nhưng điểm mấu chốt nhất của các hành vi quản lý này luôn có xuất phát điểm là cấu thành giá. Thông thường cơ quan quản lý sẽ yêu cầu các DN kê khai các chi phí sản xuất của mình để nhà nước xây dựng mức giá sàn, giá trần. Yêu cầu DN phải đăng kí trước khi thay đổi giá. Bù đắp bằng quỹ bình ổn để hàng hoá giảm giá.


Cứng nhắc và dễ lách luật


Với hàng trăm sản phẩm sữa trên thị trường, mẫu mã và thành phần được thêm bớt khác nhau từ nguồn sữa nhập khẩu thì rất khó quản bằng giá trần. Sữa không như xăng dầu chỉ có 1-2 loại mà rất đa dạng nên có thể quản được giá nguyên liệu đầu vào nhưng giá thành phẩm thì cực kỳ khó vì mỗi DN có công thức riêng, không thể so sánh với nhau. Trong bảng giá trần với danh sách 25 dòng sản phẩm bị điểm danh, Bộ Tài chính không chỉ rõ cơ sở nào để áp các mức giá khác nhau dành cho các sản phẩm có cùng trọng lượng của các nhà sản xuất khác nhau. Người dân có quyền đặt câu hỏi về chất lượng sản phẩm sau khi áp giá trần bởi điều này Bộ Tài chính không dễ dàng quản.

Hơn nữa, áp giá trần là sử dụng biện pháp hành chính cứng nhắc, hiệu quả thấp nhất trong mọi cách thức quản lý giá. Muốn đạt kết quả cao hơn thì phải tạo điều kiện để DN cạnh tranh với nhau, từ đó có sản phẩm chất lượng cao với mức giá tốt nhất thì người dân mới được hưởng lợi hoàn toàn.

Những lo ngại này không phải là không có cơ sở vì ngay sau tuyên bố của Bộ Tài chính, nhiều DN đã tung sản phẩm mới với trọng lượng thấp hơn hay thay tên đổi họ một số dòng sữa. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng ngay lập tức cho rằng điều này hoàn toàn không phải nhằm đối phó với trần giá sữa mà là chiêu cũ DN thường dùng nhằm đẩy mạnh thương hiệu, kích cầu hoặc tăng giá. Sản phẩm mới hoặc thay đổi mẫu mã bao bì đều phải đăng ký giá lại từ đầu và cơ quan quản lý có quyền kiểm tra chi phí của các mặt hàng đó.

Trên thực tế, người tiêu dùng không rõ mức giá giảm hiện nay đã đúng quy định chưa. Nhiều dòng sữa có giá bán buôn được Bộ Tài chính quy định thấp hơn hẳn giá bán trên thị trường nhưng sau khi cộng tối đa 15% chi phí cho phép thì giá chỉ giảm rất nhẹ. Có nhiều cách để lách giá. Ví dụ, giá bán lẻ tính bằng giá bán buôn tối đa do Bộ Tài chính công bố cộng thêm tối đa 15% chi phí. Tuy nhiên, chi phí mỗi nơi khác nhau, chưa kể đại lý không niêm yết giá bán buôn mà chỉ thông báo giá bán lẻ nên DN và đại lý sẽ có đủ kẽ hở để hưởng lợi ngoài vòng kiểm soát của cơ quan quản lý.

Đặc biệt, việc áp giá trần kiểu đánh đồng giữa DN nội và ngoại là thiếu công bằng và làm giảm động lực cạnh tranh của DN nội vì tự bản thân các DN đã cạnh tranh với nhau nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng có giá tốt cho người tiêu dùng. Nếu áp trần giá như nhau sẽ vô tình triệt tiêu sản xuất trong nước với các nỗ lực về tiết giảm chi phí, sáng tạo kiểu dáng, chất lượng mà lại hướng DN dịch chuyển sang nhập khẩu.

Hơn thế, áp giá trần sẽ “tước” quyền tự lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch về giá thành đối với các DN sữa. Giá trần không chỉ ảnh hưởng đến 5 DN bị thanh tra và phát hiện sai phạm mới đây mà mọi DN đều phải dựa vào 25 sản phẩm chuẩn để tính toán lại giá các sản phẩm của mình. Như vậy là đánh mất tính cạnh tranh của thị trường. Để bảo đảm thị trường sữa cạnh tranh, cần có những giải pháp căn cơ gỡ khó cho sữa nội. Có thể mất 5-10 năm để hoàn thành chính sách và thực hiện việc gỡ khó cho sản xuất sữa trong nước, bởi có nhiều việc phải làm, không thể đốt cháy giai đoạn.

Hệ lụy hiển hiện

Bản chất của hành vi quản lý theo mệnh lệnh hành chính có tác dụng điều chỉnh một hoặc một vài hành vi cụ thể của DN. Nhưng khi DN thay đổi các yếu tố qua đó làm ảnh hưởng đến cấu thành giá mà cơ quan quản lý xây dựng khiến các công thức tính giá đương nhiên không còn tác dụng. Có nhiều cách thức và lí do để DN đưa ra để biện minh cho việc thay đổi giá. Việc cơ quan quản lý phải chạy theo giá sữa trong thời gian qua là minh chứng điển hình cho lập luận trên.

Theo Điều 15 và Điều 16 của Luật Giá quy định, Nhà nước thực hiện bình ổn giá trong trường hợp hàng hóa thuộc diện bình ổn, trong đó có sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Song chỉ dựa vào điều này là chưa đầy đủ. Bởi việc quy định khung giá cũng là một trong các biện pháp bình ổn giá bên cạnh các biện pháp khác như mua vào - bán ra, đăng ký, kê khai giá, kiểm soát tồn kho… Tuy nhiên, để áp giá trần - tức là Nhà nước định giá thì lại phải tuân thủ theo đúng quy định tại Điều 19 về các mặt hàng do Nhà nước định giá. Trong đó, có quy định rất rõ ràng là mặt hàng phải có sự thống lĩnh thị trường của DN. Chưa kể chúng ta cũng phải căn cứ vào Luật Cạnh tranh để xác định DN có thống lĩnh thị trường hay không. Do đó nếu chỉ căn cứ vào Luật Giá như lập luận của Bộ Tài chính là chưa đủ. Thủ tướng khi chấp thuận đề xuất áp trần giá sữa đã chỉ đạo phải rà soát kỹ quy định của luật và xác định tính hợp pháp, do đó Bộ Tài chính cần làm rõ hơn để tránh phạm luật.


Khi đã tuân theo cơ chế giá thị trường, thì giá cả phải hình thành và vận động theo các quy luật vốn có của nó. Vì thế, chính sách giá không có nhiệm vụ phải thực hiện chính sách xã hội. Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế giá thị trường, Nhà nước không quên làm tốt chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn khi phải đối mặt với cơ chế giá thị trường. Vì giá thị trường là một trong những công cụ phân phối tổng sản phẩm xã hội, nhưng sự phân phối của thị trường thường không công bằng, nên Nhà nước vẫn phải kiểm soát về giá để để khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá thị trường. Bên cạnh đó, chính sách an sinh xã hội phải được thực hiện bằng nhiều chính sách đồng bộ, bằng việc huy động tổng hợp các nguồn lực của xã hội theo tinh thần xã hội hoá.

Ai giám sát quản lý giá

Giá sữa bị áp trần, giá thuốc  chẳng thể quản, giá điện gánh cả phần công ích, còn giá xăng dầu lại bị các cơ quan quản lý... đùn đẩy. Đó là thực trạng quản lý giá rất... tùy hứng ở Việt Nam. Nói là tùy hứng bởi đây đều là các mặt hàng thiết yếu trong đời sống và huyết mạch của nền kinh tế nhưng lại chẳng có cách thức quản lý một cách “chuyên nghiệp” nào cả.

 

Đối với mặt hàng xăng dầu, một số chuyên gia thì cho rằng không thể để cho Bộ Tài chính quản lý giá trong khi quản lý kinh doanh xăng dầu lại là Bộ Công Thương. Bởi vì giá không thể tách khỏi hoạt động kinh doanh. Giá không thể tách khỏi hoạt động quản lý thị trường nên vừa rồi toàn bộ hiệu quả của việc quản lý giá xăng dầu không tốt. Nó liên quan đến việc phân công trách nhiệm không rõ ràng khi Bộ Tài chính chỉ quản lý giá trong khi đó toàn bộ các phần việc khác liên quan đến thị trường xăng dầu là thuộc về Bộ Công Thương. Do đó, phải chuyển quyền quản lý giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý là hoàn toàn hợp lý.

 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh lại cảnh báo: Bộ Công Thương vừa có Cục Quản lý cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, vừa quản lý giá, vừa lại trực tiếp là chủ sở hữu, vừa trực tiếp quản lý nhà nước... Vì vậy, phải quy định rõ: Ai giám sát Bộ Công Thương và quyền của người dân và người tiêu dùng như thế nào? Nếu không có sự giám sát, đây lại là một sự tập trung quyền lực vào một bộ hay một cá nhân... Khi đó, có thể Bộ sẽ rất công tâm, vừa khuyến khích cạnh tranh, vừa kiểm soát độc quyền, sẽ công khai minh bạch thì người dân được nhờ. Nhưng cũng có thể Bộ nắm toàn quyền và chịu trách nhiệm toàn quyền, sẽ lại tiếp tục đứng ra bảo vệ lực lượng độc quyền...

 

Rất nhiều quan điểm cũng cho rằng, từ thực tế khó khăn trong quản lý giá sữa của Bộ Công Thương hay quản lý giá thuốc của Bộ Y tế thời gian qua cho thấy đã đến lúc những bất cập trong việc quản lý giá cả các mặt hàng theo kiểu “liên bộ” cần phải được sửa đổi để quy về một mối thống nhất.

 

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan quản lý, nghiên cứu và thẩm định giá lại đang thuộc Bộ Tài chính. Một câu hỏi đặt ra là, khi đưa việc điều hành giá xăng dầu về Bộ Công Thương thì những vướng mắc tương tự về giá của các mặt hàng thuốc y tế và sữa sẽ do ai quản lý, điều hành? Trong khi đó, Luật Giá giao cho Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ trong việc điều hành giá cũng như quản lý giá.

 

Hơn nữa, Luật Giá quy định, Bộ Tài chính chỉ quản lý về giá, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn song hành cùng các bộ điều hành cụ thể theo sự phân công của Chính phủ.

 

Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong phần trả lời Quốc hội mới đây cũng khẳng định “không muốn nhận việc này” và chỉ muốn Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì điều hành giá, Bộ Công Thương phối hợp. Điều quan trọng, ngay sau phần phát biểu này, ông Hoàng cũng thừa nhận: thật ra đây là tổ liên ngành, nếu có bộ nào không đồng ý là phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vậy là “quả bóng” quản lý giá được đá vào chân “thủ môn” - Thủ tướng.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, trước khi giao việc điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công Thương, Chính phủ nên đồng thời thực hiện hai việc: Một là, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu các DN - hiện là các tập đoàn kinh tế như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đang sản xuất và cung ứng tới 30% lượng xăng, dầu cho đất nước. Hai là, điều chuyển Cục quản lý giá thuộc Bộ Tài chính về Bộ Công Thương để thống nhất quản lý đối với tất cả các mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý giá đang tồn tại bất cập như hiện nay. Bởi, việc chuyển chức năng quản lý giá từ bộ này sang bộ khác về cơ bản sẽ không thay đổi quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

 

Nhưng vấn đề cốt lõi cần giải quyết là làm sao để công khai, minh bạch, kiểm soát chặt chẽ các hành vi độc quyền, đảm bảo lợi ích tổng hòa của cả Nhà nước, thị trường và người dân thì dường như lại là câu chuyện chưa... nghĩ ra hồi kết.

 
Từ Minh

Theo TS Vũ Đình Ánh

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *