Tiêu Dùng 12/03/2015 09:45

Giá xăng tăng cùng giá điện: Thêm khó!

Chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất sẽ tăng lên; hiện tượng “té nước theo mưa” khiến người dân lo lắng.

Từ 15 giờ ngày 11-3, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh với mức tăng 700-1.600 đồng/lít. Trong khi đó giá điện cũng sẽ tăng 7,5% từ ngày 16-3. Như vậy trong cùng thời điểm, hai mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất, kinh doanh đều tăng. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống của người dân.

Vừa ổn định đã đối mặt với cái khó

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc tăng giá điện, xăng dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) do làm tăng chi phí đầu vào. Theo ông Lộc, các DN tiêu thụ điện, xăng dầu lớn như ngành thép, xi măng, chế biến thực phẩm, vận chuyển… thì việc tăng giá điện sẽ gây thiệt hại lớn.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết mỗi tháng chi phí điện DN phải trả là 3 tỉ đồng. Giá điện tăng 7,5% đồng nghĩa DN phải chịu thêm hơn 200 triệu đồng/tháng. Giá xăng dầu tăng, DN tốn một khoản không hề nhỏ nữa. Điều đáng nói, theo ông Đạo là trong lúc nền kinh tế đang khó khăn, DN vừa mới ổn định lại sản xuất nhờ giá xăng dầu giảm, vốn vay thì bắt đầu quay trở lại khó khăn.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho hay chi phí cho điện chiếm khoảng 7% trong cấu thành giá sản xuất phôi thép. Trong hơn 10 triệu tấn thép sản xuất thì có tới 70%-80% phôi thép sản xuất bằng điện. Với mức tăng giá điện 7,5% nhiều khả năng giá thành sản phẩm thép cũng tăng nhẹ theo.

“Mức tiêu hao điện năng sẽ khiến chi phí sản xuất thép tăng khoảng 100.000 đồng/tấn. Con số này tuy không phải là lớn nhưng trong bối cảnh ngành thép còn nhiều khó khăn thì cũng thêm gánh nặng cho DN. Quan trọng là điều này cũng khiến DN thép nội giảm sức cạnh tranh về giá, đặc biệt trong khi giá phôi thép từ các nước Trung Quốc, Nhật vào Việt Nam đang ngày một rẻ. Các DN sẽ phải tính toán lại để điều chỉnh chi phí sản xuất, cân đối giá thành” - ông Dũng cho hay.

Giá xăng, điện tăng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống của người dân. (Ảnh chụp ngày 11-3 tại TP.HCM) Ảnh: HTD

Tránh “té nước theo mưa”

TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng xăng dầu và điện là hai mặt hàng chiến lược của nền kinh tế. Vì vậy hai mặt hàng này tăng giá sẽ làm tốc độ tăng trưởng giảm, mặt bằng giá sẽ tăng kéo theo lạm phát tăng. Xét trên thực tế, giá xăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát ngay trong tháng 3, còn giá điện sẽ tác động từ tháng 4.

Do vậy để giải quyết tác động tăng giá của hai mặt hàng trên, ông Long đề xuất cơ quan chức năng cần kiểm tra giám sát để tránh hiện tượng “té nước theo mưa”. Đặc biệt khi giá xăng lên, cước vận tải sẽ là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên, do đó cần có chế tài kiểm soát, theo dõi các cá nhân, tổ chức đẩy giá thị trường tăng cao. Theo tính toán của TS Long, khi giá xăng tăng 1.600 đồng, tương ứng 10% khiến các DN taxi, vận tải chắc chắn sẽ tính toán điều chỉnh tăng. Mức tăng ra sao còn tùy vào từng loại hình vận tải, cơ cấu giá thành. Thông thường nếu giá xăng tăng 10% thì DN vận tải sẽ điều chỉnh giá cước khoảng 2%-5%.

Về vấn đề này, ông Tô Văn Tuynh, Giám đốc khu vực Đông Nam Bộ Tập đoàn Mai Linh, cho biết hôm nay (12-3) hãng mới họp bàn về việc tăng giá cước. Tuy nhiên, “hãng cũng chưa chắc tăng giá cước theo giá xăng dầu vì sự tăng, giảm giá xăng dầu cũng thất thường, nếu DN cứ điều chỉnh tăng, giảm theo ngay cũng không được vì tốn rất nhiều chi phí” - ông Tuynh cho biết.

Cần giảm các chi phí khác cho doanh nghiệp

TS Long cũng cho rằng: “Cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán lại các phương án điều hành khi giá xăng dầu thế giới đang phục hồi. Tất nhiên đừng cứ chăm chăm vào chuyện tăng thu mà phải nghĩ đến tiết kiệm chi tiêu có hiệu quả”.

Theo TS Vũ Đình Lộc, tăng giá điện, giá xăng dầu mà vừa muốn DN phát triển thì Nhà nước phải làm cùng một lúc được hai việc là hỗ trợ DN và tiếp tục cải cách theo hướng kinh tế thị trường. Hai quá trình đó phải song hành với nhau, không thể vì cái này mà bỏ cái kia. Cho nên cần nâng giá điện, giá xăng dầu hợp lý và phải có biện pháp trợ giúp các DN khó khăn.

Bên cạnh đó, theo TS Lộc và ý kiến của nhiều DN, Nhà nước cần tiếp tục cải cách thể chế và đơn giản hóa thủ tục hành chính để làm sao cân bằng được, chi phí điện tăng lên thì các chi phí khác phải giảm đi. Nếu việc cải cách thể chế được thực hiện đúng như mục tiêu đề ra thì chi phí kinh doanh của DN sẽ giảm đi rất nhiều. Khi các chi phí đó giảm đi thì có thể bù đắp lại các chi phí mà giá điện tăng lên.

Xăng tăng 1.610 đồng/lít

Chiều 11-3, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối cho phép tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước; đồng thời DN được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp phần chênh lệch giữa giá cơ sở và bán lẻ.

Ngay sau khi có lệnh của Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố mức giá mới. Theo đó, giá xăng RON 92 là 17.280 đồng/lít (tăng 1.610 đồng/lít), dầu diesel 15.880 đồng/lít (tăng 710 đồng/lít), dầu hỏa 16.320 đồng/lít (tăng 710 đồng/lít), dầu madut 3,5 S 12.760 đồng/kg (tăng 910 đồng/kg).

Bộ Công Thương cho biết giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây có chiều hướng tăng cao, đặc biệt là mặt hàng xăng và dầu diesel. Do vậy Bộ Công Thương quyết định vừa tăng giá bán lẻ vừa cho DN xả quỹ bình ổn giá. Mức xả quỹ cụ thể là xăng các loại 1.852 đồng/lít; dầu diesel 888 đồng/lít; dầu hỏa 837 đồng/lít và dầu madut các loại 927 đồng/kg.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá điện tăng 7,5% sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 khoảng 0,23%. Đồng thời, tiền điện tăng thêm bình quân mỗi hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng khoảng 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng khoảng 9.800 đồng. Tỉ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao như thép và xi măng khoảng 0,07%-0,66%.

 ________________________________________

Nghe thông tin giá xăng sẽ tăng, tôi cảm thấy rất lo lắng. Bản thân tôi làm nhân viên giao hàng và tiếp thị sản phẩm phải chịu toàn bộ tiền xăng mỗi ngày (35.000-50.000 đồng) mà không được hỗ trợ. Nay giá xăng tăng thì công việc của tôi sẽ khó khăn hơn nhiều.

Anh LÊ THANH LIÊMnhân viên giao hàng (quận Gò Vấp)

Mỗi lần xăng tăng giá thì tôi cũng phải tăng giá vận chuyển hàng hóa, mà cứ tăng lên thì khách lại ngại, lại phàn nàn. Mỗi ngày tôi chỉ kiếm được chừng hơn 200.000 đồng mà tiền xăng đã 70.000 đồng, đó là những ngày xăng hạ còn hơn 15.000 đồng/lít đấy. Giờ xăng lại tăng trở lại thì khó kiếm sống lắm.

Anh ĐINH QUỐC DŨNGchạy xe ba gác (quận Bình Thạnh)

Xăng tăng, điện tăng thì vật giá cũng sẽ tăng theo. Bà xã tôi ở nhà nội trợ sẽ còn lo hơn vì chắc chắn các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng cũng sẽ tăng thêm từ cọng rau, cân thịt đến tô phở. Khổ lắm!

Ông LÂM XUÂN BÌNH, chạy xe ôm (quận Bình Thạnh)

LÊ THOA ghi

 

Theo QUANG HUY - TRÀ PHƯƠNG

PLTP

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *