Tiêu Dùng 01/07/2014 22:04

Để quả vải không phụ thuộc Trung Quốc: 90 triệu dân mỗi người ăn vài lạng...

FICA -Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, với 90 triệu dân, nếu hoàn toàn không xuất khẩu mà chỉ sử dụng trong nước thôi thì mỗi người dân Việt Nam cũng chỉ được mấy lạng vải thiều.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, về thông tin vải thiều Trung Quốc nhập vào Việt Nam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: "Đến giờ này thông tin chúng tôi nghe được là vải thiều đi ngược về phía Việt Nam là không chính xác".

Tuy nhiên Bộ trưởng Nên không phát đi thông tin chính thức từ cơ quan điều hành mà dẫn thông tin "hôm qua VTV1 có phát tin này và khẳng định là vải thiều của Việt Nam đang được xuất qua Trung Quốc".

Theo Bộ trưởng, giải pháp cấp bách hiện nay chúng ta đã và đang làm vừa trước mắt vừa lâu dài là tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa mà người dân làm ra, các doanh nghiệp sản xuất ra, nhất là nông sản. 

"Hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết, tính toán các giải pháp, kể cả trước mắt lẫn lâu dài. Đồng thời, người dân khi sản xuất cũng phải tính toán về chất lượng gắn với bảo quản, tiêu thụ. Cơ quan chức năng thì tìm thị trường tiêu thụ; rồi cũng phải tính toán phương thức chế biến như thế nào", Bộ trưởng Nên khẳng định..

Về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, không phải hiện nay vì có biến động ở Biển Đông, mà Chính phủ, các bộ, ngành…, trong đó có Bộ Công Thương mới nghĩ đến việc chúng ta phải đa đạng hóa các thị trường cả về xuất khẩu và nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng, song song với mở rộng thị trường xuất khẩu, một việc nữa cũng hết sức quan trọng là đẩy mạnh chủ trương về việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

"Đất nước ta 90 triệu dân, nếu chúng ta tiêu thụ các hàng hóa hiện nay chúng ta đang xuất khẩu thì rõ ràng sẽ tạo ra kim ngạch không nhỏ", ông Hải nói.

Ông dẫn ví dụ đối với quả vải thiều, những năm trước chúng ta rất lo lắng khi 60%, có khi tới 70% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng năm vừa qua, một mặt vẫn xuất sang thị trường này, đến giờ phút này chúng ta vẫn hết sức bình thường với tất cả các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế và các cửa khẩu đường mòn mới mở mà phía Trung Quốc gọi là các chợ biên giới.

Mặt khác, vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số tỉnh, trong đó có: Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, TPHCM và các tỉnh phía Nam, đưa vải thiểu vào phía Nam.

"Điều rất đáng mừng là hiện nay chúng ta tiêu thụ trong nước đến 60% - đấy là một minh chứng quan trọng cho việc chúng ta tích cực đẩy mạnh chủ trương người Việt dùng hàng Việt", ông Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết thêm, không chỉ mặt hàng này, mà chúng ta sẽ tiếp tục làm những mặt hàng khác.

"Chúng tôi đã tính, với 90 triệu dân, nếu hoàn toàn không xuất khẩu mà chỉ sử dụng trong nước thôi thì thực ra mỗi người dân Việt Nam cũng chỉ được mấy lạng vải thiều. Trước kia, phía Bắc chỉ tập trung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá thậm chí còn thấp hơn cả giá bán ở thị trường miền Nam, trong khi rất nhiều người dân các tỉnh thành phía Nam chưa được ăn vải thiều lần nào. Đây là thực tế mà chúng ta cần phải nhìn nhận", ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho rằng, những biện pháp vừa qua không phải bây giờ Chính phủ mới có chủ trương, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, mới thực hiện.

"Tôi khẳng định, chính sự kiện Biển Đông này là một cú hích (dùng từ “cú hích”, nhiều báo nói rằng cơ hội là không phải, hoàn toàn không phải cơ hội) để chúng ta bắt buộc phải làm và làm nhanh hơn, để trong tình huống xấu nhất như Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP nói, thì chúng ta vẫn đối phó được", ông khẳng định.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *