Doanh nghiệp 25/12/2013 10:47

Tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp FDI lo mất ăn Tết

Mức tăng lương tối thiểu vùng từ 250.000 đến 350.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/1/2014 theo Nghị định 182/2013/NĐ-CP đang khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thâm dụng lao động lo lắng.

Đại diện Công ty TNHH Sung Hyun Vina (đang sử dụng 5.000 công nhân, chuyên sản xuất da giày tại Khu công nghiệp Bình Đường, Dĩ An, Bình Dương) cho rằng, việc tăng lương sắp tới sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người lao động trong Công ty.

“Dù Công ty đang trả lương cao hơn mức tăng lương tối thiểu vùng 1, nhưng khi những doanh nghiệp khác trong Khu công nghiệp Bình Đường, hoặc Khu chế xuất Linh Trung 1 kế bên tăng lương, mà chúng tôi không tăng, thì công nhân sẽ đình công hoặc nhảy việc”, đại diện Sung Hyun Vina nói.

Về phần mình, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc tài chính Tập đoàn Scavi (100% vốn của Pháp, hoạt động trong lĩnh vực may mặc thời trang chuyên phục vụ xuất khẩu) cho biết, hiện Tập đoàn có các nhà máy ở các vùng tính lương khác nhau như: nhà máy ở Biên Hòa, Đồng Nai thuộc vùng 1; nhà máy ở Bảo Lộc, Lâm Đồng và Đà Nẵng thuộc vùng 2; nhà máy ở Huế thuộc vùng 3.

“Với hơn 10.000 lao động, việc thực hiện theo lương mới sẽ ‘ngốn’ thêm của chúng tôi khoảng 1 tỷ đồng/tháng”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, theo ông Thành, để chuẩn bị cho việc này, Scavi đã có các giải pháp như làm việc với các đối tác cung cấp nguyên liệu để giảm chi phí đầu vào, tiết giảm chi phí quản lý, áp dụng cải tiến kỹ thuật trong khâu cắt để giảm chi phí… Ngoài ra, Scavi cũng phối hợp với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Dệt may Việt Nam có kế hoạch làm việc với các đối tác nước ngoài để điều chỉnh đơn giá bán, nhằm bù đắp việc tăng chi phí sản xuất do tăng lương.

Trên thực tế, việc tăng lương tối thiểu vùng chủ yếu ảnh hưởng tới những doanh nghiệp trả lương cố định theo tháng, còn với những doanh nghiệp trả lương theo sản phẩm như Scavi, mức độ ảnh hưởng không đáng kể. Ngoài ra, các chế độ như tiền ăn trưa, chế độ nghỉ ngơi, đãi ngộ về nhà ở… mà Scavi đang thực hiện đều “nhỉnh” hơn so với các doanh nghiệp FDI khác trên địa bàn.

Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận, tăng lương vào thời điểm này cũng gây ít nhiều khó khăn cho nhiều doanh nghiệp dệt may đang có kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm đón đầu những ưu đãi từ Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Việc tăng lương tối thiểu ở khu vực FDI thời gian gần đây khá dồn dập, nên Nhà nước cần có lộ trình cụ thể và thông báo sớm để doanh nghiệp điều chỉnh các chiến lược về đầu tư và có kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp”, ông Thành kiến nghị.

Cách đây chưa lâu, tại Hội nghị đầu tư giữa UBND TP.HCM với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Paik In Ki, Tổng giám đốc Công ty Woojin Vina, kiêm Trưởng ban Tư vấn kinh doanh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết, việc tăng lương tối thiểu đã phần nào làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp FDI, khiến nhiều công ty dừng các hoạt động đầu tư mới hoặc thu hẹp các nhà máy sản xuất ở Việt Nam.

Ở góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội cho rằng, khi tăng lương tối thiểu vùng, cái lo nhất của doanh nghiệp là sẽ tốn thêm các khoản phí bảo hiểm, bởi họ thường lấy mức lương tối thiểu nhân với hệ số lương để làm cơ sở báo cáo đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu từ 1/1/2014 có thể ảnh hưởng đến tình hình lương thưởng Tết Giáp Ngọ 2014, nên nếu doanh nghiệp không chăm lo tốt đời sống cho công nhân dịp Tết này, nhiều khả năng sẽ dẫn tới tình trạng biến động nhân sự sau Tết như những năm trước.

Theo Thanh Vũ - Hồng Sơn

Đầu tư

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *