Doanh nghiệp 20/02/2014 18:59

Tăng giá không phải cách để kiếm tiền cho doanh nghiệp!

FICA - Trong khi chưa tới 10% doanh nghiệp cho rằng tăng giá bán sản phẩm dịch vụ là phương cách giúp tăng trưởng doanh thu trong năm 2013 thì tới gần 90% còn lại đề cao vai trò quản lý có hiệu quả.

 

Giai đoạn cuối năm 2013, đầu năm 2014, bức tranh kinh tế thế giới được bao trùm bởi gam màu tươi sáng, được tô bằng niềm tin vào đà phục hồi sẽ tiếp tục mạnh hơn ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Nhật Bản, bằng hy vọng về con đường bằng phẳng hơn cho kinh tế châu Âu và cả sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng nhanh hơn ở các nền kinh tế mới nổi. Không nằm ngoài dòng chảy đó, nền kinh tế Việt Nam cũng được các chuyên gia đánh giá là đã vượt đáy khủng hoảng vào năm 2013 và sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014.

Theo khảo sát điều tra của Vietnam Report trên 3.000 doanh nghiệp cho thấy, có tới 82% đại diện doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2013 cao hơn năm 2012 và chỉ có 6% số doanh nghiệp có doanh thu 2013 giảm đi so với năm trước.

Nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và quan hệ khách hàng, mở rộng thị trường trong nước là 3 yếu tố chính đóng góp cho sự tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp lớn trong thời gian qua.

Có tới 87,3% số DN được hỏi cho biết Nâng cao hiệu quả quản lý đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong tăng trưởng doanh thu trong năm 2013 của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và quan hệ khách hàng, và mở rộng thị trường trong nước cũng được gần 70% số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng lựa chọn là các yếu tố thứ yếu có đóng góp tới tăng doanh thu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, chỉ có 9,7% doanh nghiệp cho rằng tăng giá bán sản phẩm dịch vụ là phương cách giúp tăng trưởng doanh thu của họ trong năm 2013. Theo nhận định của đơn vị khảo sát, các DN đã nhận ra được tầm quan trọng của “chất” trong việc tăng doanh thu, qua đó có thể đẩy mạnh sự thay đổi trong tư duy chiến lược đáng kể, từ bỏ các mục tiêu ngắn hạn, hướng tới những chiến lược tăng trưởng bền vững trong tương lai. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp.

 

Lạm phát vẫn là mối lo hàng đầu

Kết quả kinh doanh tốt năm 2013 đã tiếp thêm niềm tin và hi vọng cho các doanh nghiệp trong năm 2014. Gần 86% số DN được hỏi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn trong năm 2014, trong khi chỉ có chưa đến 5% số DN e ngại khả năng doanh thu sẽ giảm sút trong năm 2014.

Điều đáng chú ý là, rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ có thể tăng doanh thu mà không cần tăng lao động trong doanh nghiệp. Vietnam Report cho rằng, rõ ràng các doanh nghiệp đã có được những bài học kinh nghiệm lớn trong thời kỳ suy thoái để có thể tăng doanh thu mà không làm gia tăng chi phí, qua đó đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Các DN ngành Khoáng sản - xăng dầu, ngành kim loại và ngành sắt thép - vật liệu xây dựng tỏ ra lạc quan hơn cả về triển vọng của ngành trong năm 2014. Tỷ trọng số đại diện các doanh nghiệp thuộc 3 ngành này cho rằng trong năm 2014, ngành kinh doanh của họ sẽ tốt hơn năm 2013, cao hơn so với các ngành còn lại và cao hơn mức bình quân của tất cả các ngành.

Trái ngược so với kết quả điều tra năm 2013, các đại diện của các doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng tỏ ra không mấy lạc quan như các ngành khác về triển vọng ngành trong năm 2014 (trong kết quả điều tra về triên vọng năm 2013, các doanh nghiệp tài chính ngân hàng tỏ ra lạc quan nhất về triển vọng của ngành).

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành kim loại và ngành sắt thép - vật liệu xây dựng lại kỳ vọng nhiều vào triển vọng phát triển ngành từ ảnh hưởng của Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định này được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Ngày 13/11/2010, Việt Nam tuyên bố tham gia vào TPP với tư cách thành viên đầy đủ.

Theo đại diện của nhóm các doanh nghiêp lớn nhất cả nước cho rằng, trước mắt Chính phủ cần ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô (65,52%), đơn giản hóa và giảm gánh nặng của các thủ tục hành chính (64,94%), tăng cường hỗ trợ DN thông qua các gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi đầu tư và ưu đãi thuế (63,22%).

Như vậy, hầu hết các DN đều e ngại những thay đổi trong chính sách vĩ mô của Chính phủ, lạm phát, sự tăng giá chi phí nguyên nhiên vật liệu là những yếu tố chính có khả năng ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của DN, được coi như các yếu tố có ảnh hưởng dây chuyền và không dễ dự báo.

Bích Diệp

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *