Doanh nghiệp 12/12/2013 11:13

Samsung chuyển hướng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam

FICA - Với Samsung, Việt Nam không chỉ có lợi thế về nhân công giá rẻ và ưu đãi thuế giống như Ấn Độ hay Indonesia mà còn có thêm lợi thế lân cận trung tâm sản xuất hiện tại của họ ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

Samsung xây nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tại Trung Quốc nhằm tận dụng lực lượng lao động dồi dào giá rẻ tại đây. Tuy nhiên, sau đó không lâu, Samsung chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam để tận dụng giá nhân công thậm chí còn rẻ hơn và nhằm duy trì lợi nhuận trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng doanh thu từ thị trường smartphone chậm lại.

Samsung vừa khởi công nhà máy sản xuất smartphone thứ 2 tại Thái Nguyên với kinh phí đầu tư 2 tỷ USD và dự kiến bắt đầu vận hành từ tháng 2 năm sau. Ước tính hơn 40% sản phẩm smartphone của Samsung sẽ được sản xuất tại Việt Nam khi nhà máy này đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2015 với công suất 120 triệu thiết bị/năm và mang lại lợi nhuận lớn cho Samsung.

Ông Lee Seung Woo, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán IBK dự đoán, trong tương lai, khoảng 80% sản phẩm của Samsung sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Theo ông, yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động sản xuất của Samsung là nhân lực.

Samsung đã vượt qua Apple để trở thành hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất nhờ sản xuất các thiết bị di động từ cao cấp giá trên 900 USD đến các thiết bị thuộc phân khúc thấp với giá dưới 150 USD.

Trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường smartphone tăng chậm lại và sự cạnh tranh về giá cả từ các đối thủ Trung Quốc, Samsung cũng như các hãng công nghệ khác như Nokia, Intel đều chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ chỉ bằng 1/3 ở Trung Quốc. Thực tế, giá nhân công tại Bắc Kinh theo khảo sát năm 2012 là 466 USD/tháng trong khi ở Hà Nội chỉ khoảng 145 USD.
 
“Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ tăng mạnh trong ít nhất 2-3 năm tới, phần lớn là do chi phí nhân công ở Trung Quốc cao hơn. Việt Nam đang thực sự đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp”, Lee Jung Soon thuộc Phóng xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại TPHCM nhận định.

Nhận định về lợi thế của Việt Nam, LG cũng cho biết: “Việt Nam ổn định về chính trị, có dân số trẻ và lực lượng lao động có tay nghề ngày càng cao. Giống như Hàn Quốc, Việt Nam hiểu được những gì cần làm để tái thiết kinh tế sau khi bị chiến tranh tàn phá”.

Với Samsung, Việt Nam không chỉ có lợi thế về nhân công giá rẻ và ưu đãi thuế giống như Ấn Độ hay Indonesia mà còn có thêm lợi thế lân cận trung tâm sản xuất hiện tại của họ ở Trung Quốc và Hàn Quốc, Thân Trọng Phúc - Giám đốc điều hành quỹ đầu tư công nghệ DFJ VinaCapital tại TPHCM cho biết. “Các nước khác có thể cũng có những ưu đãi như Việt Nam thậm chí còn hơn thế nhưng Việt Nam lại rất gần chuỗi cung ứng của Samsung. Bạn có thể thấy doanh nghiệp Hàn Quốc ở bất cứ đâu ở Việt Nam”.
 


Phương Linh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *