Doanh nghiệp 07/04/2020 16:25

Những doanh nghiệp bị Covid-19 “tàn phá” đến mức “sống dở, chết dở”!

Trong số 5 doanh nghiệp giao thông chuyển về “siêu ủy ban” đang bị thiệt hại vì Covid-19 thì Vietnam Airlines bị “tàn phá” nặng nề nhất, chỉ trong 3 tháng doanh nghiệp này đã tiêu tan 2.300 tỷ đồng.

Cạn kiệt nguồn tiền

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) gửi Thủ tướng Chính phủ cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty khẳng định Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Hoàng Anh cho biết, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; có 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng.

“Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019; lỗ 2.383 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp bị Covid-19 “tàn phá” đến mức “sống dở, chết dở”! - 1

Vietnam Airlines tiêu tan 2.300 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng

Dự kiến, cả năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, ước lỗ 19.651 tỷ đồng” - ông Nguyễn Hoàng Anh thông tin.

Hiện nay, hãng hàng không quốc gia đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.

Số liệu từ “siêu ủy ban” cũng cho thấy, đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng đến nay đã cạn kiệt, đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

“Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020” - ông Hoàng Anh nói và cho biết với tình hình tài chính trong thời gian tới, nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của Vietnam Airlines và các công ty con.

Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng, để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines đã đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng (thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0%), bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp.

Đường sắt, hàng hải “lao dốc”

Trong báo cáo nói nêu rõ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ hàng trăm tỷ đồng. Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) giảm thu, riêng Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) dự báo vẫn lãi gần 2.000 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp bị Covid-19 “tàn phá” đến mức “sống dở, chết dở”! - 2

Hàng hải "lao dốc" vì bị Covid-19 tàn phá thời gian qua

Cụ thể, do không có khách đi tàu, từ đầu năm đến nay đường sắt đã dừng chạy hàng loạt các đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của ngành đường sắt, khó đảm bảo việc hoàn thành kế hoạch đã được giao.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hành khách đường sắt dự kiến 527,88 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, công ty mẹ doanh thu giảm từ 700 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và lỗ từ 694 tỷ đồng đến 935 tỷ đồng tùy theo từng thời điểm kết thúc dịch Covid-19. 

Với Vinalines, khi hoạt động vận tải biển bị ngưng trệ do nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và gần đây là thị trường Châu Âu và Mỹ. Hệ thống các cảng của Vinalines đều bị ảnh hưởng do các tàu hủy lịch không đến cảng, hoặc hủy chuyến, hoặc neo chờ thậm chí lên đến 10 ngày. Các hoạt động vận tải, kho bãi giảm sản lượng khoảng 40% so với cùng kỳ.

“Hầu hết đội tàu của Vinalines không đủ việc làm, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu, hoạt động tạm nhập tái xuất và hoạt động của các cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là chi phí lưu kho tăng cao” - ông Hoàng Anh cho hay. 

Doanh thu hợp nhất 3 tháng đầu năm 2020 của Vinalines ước đạt 2.218 tỷ đồng, giảm 626 tỷ đồng. Doanh thu công ty mẹ ước đạt 281,39 tỷ đồng, giảm 87 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019; ước lỗ hợp nhất 113 tỷ đồng, ước lỗ công ty mẹ 94 tỷ đồng. Dự kiến nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, doanh thu của công ty mẹ Vinalines ước đạt 1.269 tỷ đồng, giảm 279 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; ước lỗ 76 tỷ đồng.

Đối với VEC, trong Quý I/2020, doanh thu của VEC ước giảm 15 tỷ đồng. Việc hạn chế nhu cầu đi lại của người dân trong mùa dịch khiến lưu lượng xe lưu thông trên đường bộ từ đầu năm 2020 giảm mạnh, đặc biệt tại các tuyến Nội Bài- Lào Cai, tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi là nguyên nhân dẫn đến trạng trên.

Nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, doanh thu cả năm của VEC ước đạt 3.698,22 tỷ đồng, giảm 552,74 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; ước lỗ 140 tỷ đồng.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *