Doanh nghiệp 06/02/2014 10:14

Những bất ngờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2013

FICA - Ngoài những doanh nghiệp vẫn giữ vững đà tăng trưởng khả quan như Vinamilk, Thép Hòa Phát, Tôn Hòa Sen hay tiếp tục có một quý kinh doanh bết bát như các doanh nghiệp vận tải biển, thép, có không ít bất ngờ cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2013.



Mùa báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 mới đi nửa non chặng đường khi phần lớn các doanh nghiệp lớn chưa công bố báo cáo tài chính. Đa số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính là của công ty mẹ.

Ngoài những doanh nghiệp vẫn giữ vững đà tăng trưởng khả quan như Vinamilk, Thép Hòa Phát, Tôn Hòa Sen...hay tiếp tục có một quý kinh doanh bết bát như các doanh nghiệp vận tải biển, thép, có không ít bất ngờ cho mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2013.

Báo lãi lớn sau thời kỳ kinh doanh bết bát

Chứng khoán Sacombank (mã chứng khoán SBS) có lẽ là công ty gây bất ngờ nhất cho tới thời điểm hiện tại khi đạt 443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2013. Riêng quý IV, SBS báo lãi 305 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, SBS hiện là công ty công bố lợi nhuận lớn nhất trong các công ty chứng khoán, vượt 2 "đại gia" là SSI và chứng khoán TPHCM (HSC).

Lợi nhuận của SBS đến từ việc giảm chi phí hoạt động và chi phí quản lý doanh nghiệp nhờ việc được hòa nhập dự phòng giảm giá chứng khoán và các khoản phải thu khó đòi. Ngoài ra, Công ty cũng ghi nhận khoản lợi nhuận khác 389 tỷ đồng từ xỷ lý trái phiếu chuyển đổi.

Với việc báo lãi khủng, SBS đã giảm lỗ lũy kế và nhờ vậy, vốn chủ sở hữu đạt 191 tỷ đồng so với âm 251 tỷ đồng. Trước đó, SBS bị hủy niêm yết bắt buộc do vốn chủ sở hữu âm.

SHN của Đầu tư tổng hợp Hà Nội là cổ phiếu được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian vừa qua cùng với nhóm cổ phiếu "ruồi" (các mã penny có thị giá thấp, tăng giá liên tục dù kết quả kinh doanh yếu kém). SHN thua lỗ liên tiếp trong năm 2011 và 2012 với mức lỗ lần lượt là 146 và 127 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, SHN tiếp tục lỗ gần 63 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong vòng hơn 2 tháng kể từ đầu tháng 11/2013, SHN tăng từ mức đáy 600 đồng/cổ phiếu lên 5.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng gấp gần 10 lần. Khối lượng giao dịch cũng bùng nổ với những phiên hơn 10 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, sang tới quý IV/2013, do chuyển nhượng dự án Tây Mỗ trị giá 75 tỷ đồng, công ty mẹ SHN đã bất ngờ báo lãi hơn 64 tỷ đồng, lũy kế cả năm lãi gần 2 tỷ đồng. Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh chính vẫn ảm đạm khi doanh thu giảm mạnh còn hơn 1,4 tỷ đồng.

PVX của Xây lắp Dầu khí mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính năm 2013 nhưng gây bất ngờ khi tiếp tục điều chỉnh số liệu lợi nhuận 2011. Với việc điều chỉnh từ lỗ sang lãi hơn 590 triệu đồng, cổ phiếu PVX sẽ được chuyển từ diện kiểm soát sang cảnh báo từ ngày 7/2/2014. Nhưng quan trọng hơn, PVX thoát được việc hủy niêm yết bắt buộc do kết quả kinh doanh 3 năm thua lỗ liên tiếp (năm 2012 lỗ gần 1.340 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 lỗ 1.400 tỷ đồng).

Trước đó, PVX đã điều chỉnh số liệu lợi nhuận năm 2011 từ lãi sang lỗ do phải trích lập thêm dự phòng cho xi măng Hạ Long theo ý kiến của kiểm toán Nhà nước. Cổ phiếu PVX có đợt lao dốc từ hơn 5.000 đồng/cổ phiếu xuống hơn 2.000 đồng/cổ phiếu.

Bất ngờ báo lỗ khủng

Năm 2013, VN-Index tăng khoảng 22% còn HNX-Index tăng gần 19% giúp Việt Nam lọt vào tốp 10 thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới. Cùng với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tăng là cơ sở để các công ty chứng khoán báo lãi lớn. Tuy vậy, ngược lại với SBS, chứng khoán ngân hàng Á Châu (ACBS) lại có một quý IV kinh doanh bết bát khi có mức lỗ theo quý kỷ lục với gần 130 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất quý này của các công ty chứng khoán cho tới thời điểm hiện tại.

Tuy lỗ ít hơn với chỉ hơn 9 tỷ đồng, chứng khoán Agribank (Agriseco - mã AGR) có quý lỗ đầu tiên kể từ quý IV/2009.

"Vị đắng mía đường" dường như bắt đầu tại mía đường nhiệt điện Gia Lai (mã SEC) khi công ty có quý lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết. Mặc dù chỉ lỗ nhẹ gần 1 tỷ đồng trong quý IV/2013, nhưng đáng chú ý là doanh thu của công ty giảm mạnh 35%, biên lãi gộp (tính bằng lãi gộp trên doanh thu thuần) giảm còn một nửa.

Còn nhớ, mâu thuẫn giữa đề nghị tạm nhập đường để tinh chế rồi tái xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc của Hoàng Anh Gia Lai và Hiệp hội mía đường đã làm bộc lộ nhiều yếu kém của các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Cáp treo núi Bà Tây Ninh (mã TCT) vẫn nổi tiếng là doanh nghiệp có tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS), cổ tức và thị giá đều ở mức ngất ngưởng. EPS của TCT thường ở mức trên 10.000 đồng, trong khi cổ phiếu TCT hiện đang giao dịch tại mức 99.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, quý IV/2013, TCT lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết với mức lỗ gần 1 tỷ đồng. Tuy vậy, cả năm, TCT vẫn đạt 64 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt xa kế hoạch 41 tỷ đồng kế hoạch năm.

Theo quy định, thời hạn công bố báo cáo tài chính cho quý IV/2013 là ngày 20/1/2014. Đối với công ty có báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất, hạn chót để công bố cả 2 báo cáo này là 14/2/2014. Hi vọng, những bất ngờ còn lại của mùa báo cáo tài chính quý IV/2013 sẽ là tin vui đến từ các doanh nghiệp.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *