Doanh nghiệp 05/06/2014 12:02

Hòa Phát hưởng lợi từ chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt?

FICA - Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định, không có chuyện một chính sách được đưa ra để làm lợi cho một doanh nghiệp trong ngành.

Theo phản ánh, các doanh nghiệp thép đang kiến nghị lên Hiệp hội Thép và Bộ Công Thương về việc cho rằng cấm xuất khẩu quặng sắt chỉ mang lợi ích cho Tập đoàn Hòa Phát. Tập đoàn Hòa Phát mua quặng rẻ trong nước, bán sản phẩm với giá thấp, khiến doanh nghiệp Thép khó cạnh tranh. 

Trả lời về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bùi Quang Chuyện (Bộ Công thương) khẳng định, thực hiện quản lý khoáng sản không tái tạo, Chính phủ đã có Chỉ thị 02 trong đó quặng sắt bị dừng hẳn xuất khẩu. Do vậy thẩm quyền cấm xuất khẩu thuộc về Chính phủ, không liên quan tới Hòa Phát.

Đối với giá quặng, Bộ Công Thương đã có 2 cuộc họp về cung cầu quặng sắt với thành phần là doanh nghiệp khai thác quặng và doanh nghiệp luyện kim để đưa ra giải pháp tháo gỡ với giá bán trên cơ sở thỏa thuận giữa người bán và mua, các bộ ngành không can thiệp về giá cả.

"Vì thế, không đúng khi nói Hòa Phát ép giá quặng sắt. Đối với khả năng cạnh tranh, hiện Việt Nam có 3 doanh nghiệp sản xuất phôi thép từ quặng sắt với 850 ngàn tấn/năm, Thái Nguyên 200 ngàn tấn/năm, Hằng Nguyên 150 ngàn tấn/năm", ông Chuyện nói.

Theo ông Chuyện, các doanh nghiệp sản xuất thép từ quặng chủ động được nguồn nguyên liệu, giá lợi thế hơn giá bán quặng xuất khẩu nên các doanh nghiệp được mua rẻ hơn. Chi phí sản xuất 1 tấn phôi thép rẻ hơn 1 tấn phôi thép từ thép phế 1 triệu đồng. Vì thế Hòa Phát có lợi nhuận cao khi chế biến.

"Không thể nói doanh nghiệp lợi dụng giá rẻ làm khó cho các doanh nghiệp luyện thép. Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phôi thép từ quặng để chủ động được nguồn phôi thép và sử dụng được nguồn tài nguyên sẵn có", lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định.

Theo thông tin trước đó, đầu tháng 6 vừa qua, 13 doanh nghiệp sản xuất thép thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết đã có công văn kiến nghị gửi VSA về việc xem xét lại chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp này, kể từ khi có chủ trương dừng xuất khẩu quặng sắt theo quy định của Luật khoáng sản, giá quặng sắt trong nước từ mức 2.200 đồng/kg giảm còn 1.200 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 so với giá quặng sắt thế giới đã khiến hàng loạt mỏ khai thác lao đao.

Các doanh nghiệp này cho rằng, duy một doanh nghiệp đang đầu tư vào công nghệ lò cao là Công ty CP Tập đoàn thép Hòa Phát - đơn vị tiêu thụ lớn nhất quặng sắt trên thị trường - được hưởng lợi từ chính sách này.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng với giá nguyên liệu rẻ bằng một nửa so với các doanh nghiệp sản xuất khác, “Hòa Phát đã lũng đoạn thị trường, tự làm giá, tự xuống giá khiến tất cả doanh nghiệp khác đều lao đao”.

Phương Dung

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *