Doanh nghiệp 09/02/2018 14:15

Hiệp hội Taxi TPHCM: Uber, Grab đã vi phạm Luật Cạnh tranh, lũng đoạn thị trường!

Cho rằng vẫn còn quá nhiều điểm gợn và vô lý trong dự thảo Nghị định thay thế nghị định 86 về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ bằng ô tô, Hiệp hội taxi TP HCM tiếp tục kiến nghị bãi bỏ nhiều điều khoản.


Uber, Grab vẫn tiếp tục bị các hãng taxi truyền thống tấn công (Ảnh minh họa)

Uber, Grab vẫn tiếp tục bị các hãng taxi truyền thống "tấn công" (Ảnh minh họa)

Hiệp hội này cho biết vẫn bảo lưu các quan điểm từ trước đến nay về góc nhìn đối với loại hình kinh doanh taxi kiểu Uber – Grab. Cho nên, lần kiến nghị này là hình thức nhấn mạnh thêm các ý kiến phản đối để Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi những bất cập đang tồn tại.

Trong đó, 4 bất cập mà hiệp hội này đưa ra. Thứ nhất, Grab – Uber là hai doanh nghiệp mang danh là cung ứng phần mềm kết nối, hưởng mức thuế thấp hơn doanh nghiệp kinh doanh taxi. Điều này tự nhiên hình thành ra một thị trường thống nhất với quy mô lớn chỉ có hai công ty điều hành để cạnh tranh với các hãng taxi, chủ yếu qua chính sách giá cả, khuyến mãi…

Trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống mà đàm phán, thống nhất giá cả thì sẽ bị quy kết là phạm luật về quản lý giá cả… Từ đó, Hiệp hội đặt câu hỏi: Uber – Grab điều hành hàng trăm đơn vị vận tải cùng một mức giá, cùng chính sách khuyến mãi như vậy có vi phạm luật hiện hành hay không?

Thứ 2, theo Hiệp hội Taxi TPHCM, Uber và Grab đang sử dụng nguồn vốn của mình trong và ngoài nước để trợ giá cho khách hàng và lái xe của nhiều đơn vị vận tải… đã tạo ra thị trường vận tải lớn với thị phần chiếm khoảng 60-70% thị trường, điều này đã và đang tạo ra sự lũng đoạn thị trường vận tải taxi. Câu hỏi đặt ra là: Uber và Grab có vi phạm luật cạnh tranh, lũng đoạn thị trường hay không nếu tiếp tục cho hoạt động như mô hình hiện tại?

Điểm thứ 3 mà Hiệp hội này đề cập là tình trạng pháp lý của người lái xe, họ chịu nhiều rủi ro trong việc đùa tư xe để chạy hợp đồng với đơn vị Grab – Uber. Câu hỏi đặt ra là khi hai doanh nghiệp này chiếm lĩnh thị trường thì liệu còn duy trì tỷ lệ ăn chia trên doanh thu vận tải mức 20-25%, thậm chí gần 30% hiện nay hay rồi sẽ ra sao? Quyền lợi của khách hàng ai sẽ gánh chịu khi xảy ra các sự cố tai nạn?...

Cuối cùng là các số liệu về số xe phía hai doanh nghiệp đã báo cáo, Hiệp hội cho rằng nếu chỉ căn cứ vào các số liệu đầu xe mà Uber – Grab báo cáo thì rất khó có thể tin rằng hai doanh nghiệp này đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước.

Từ những băn khoăn kể trên, Hiệp hội Taxi TP HCM tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần định danh rõ hoạt động của Uber và Grab. Với cách thức hoạt động như hiện nay thì hai doanh nghiệp kể trên chính là hãng kinh doanh taxi chứ không phải đơn vị cung cấp phần mềm đơn thuần.

"Bộ cũng cần xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị vận tải ký hợp đồng, phải xác định giá cả, chế độ khuyến mãi, nguồn vốn, trách nhiệm vận chuyển và xử lý tranh chấp, bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi có sự cố xảy ra", Hiệp hội này đề nghị.

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Giao thông cần ngăn cấm việc sử dụng vốn nước ngoài dùng cho việc khuyến mãi, quảng cáo nhằm thao túng, chiếm lĩnh thị trường sau đó báo lỗ và trốn thuế…

Theo Hiệp hội Taxi TPHCM, tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước thuộc khối Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan… đều coi loại hình kinh doanh như Uber – Grab là taxi. Trước đó, ngày 20/12/2017, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã đưa phán quyết Uber là công ty vận chuyển chứ không phải là một nền tảng ứng dụng…

H.Anh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *