• -
Doanh nghiệp 13/10/2014 16:54

Hệ thống thông quan hiện đại… hại doanh nghiệp

Những “than thở” của DN vẫn chưa giảm, dù cơ quan hải quan cho biết, đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hệ thống thông quan hiện đại… hại doanh nghiệp

Có rất nhiều tiếng “kêu” của DN về những vướng mắc trong thủ tục hải quan

 

(ĐTCK) Những “than thở” của DN vẫn chưa giảm, dù cơ quan hải quan cho biết, đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa. Phải chăng, hoạt động cải cách mới chỉ dừng ở mức hô hào?
 

Thực tế trên đặt ra một vấn đề rất đáng quan tâm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tính thiết thực, hiệu quả, cũng như sự phù hợp của những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng đúng nguyện vọng được tháo gỡ khó khăn của DN.

 

Đánh giá về những giải pháp cải cách thủ tục quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu tại Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, tinh thần cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý là tích cực, khẩn trương. Tuy nhiên, bà Dung cho biết, thời gian gần đây, có rất nhiều tiếng “kêu” của DN về các khó khăn do những vướng mắc trong thủ tục hải quan, đặc biệt là việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS.

 

Theo bà Dung, hệ thống thông quan điện tử của hải quan có “vấn đề” về mạng và phần mềm nên gây khó khăn cho DN trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa.

 

“Hệ thống mạng, phần mềm không đảm bảo, không đầy đủ, thì hệ quả của nó là tăng rủi ro và thời gian, chi phí của DN. Nhiều thủ tục theo đúng quy trình là khai báo bằng máy tính vào hệ thống điện tử, song do lỗi hệ thống nên cán bộ hải quan phải thực hiện thủ công. Vấn đề ở chỗ, việc khai báo thủ công sau đó không được cập nhật vào hệ thống mạng thông quan điện tử. Do đó, đến kỳ DN cần làm thanh khoản thì hải quan không thanh khoản nổi, vì không có thông tin.

 

DN ‘kêu’ với hải quan vùng đó, với chi cục hay cục hải quan địa phương, thậm chí ‘kêu’ lên Tổng cục Hải quan, song vẫn không được giải quyết. Hậu quả là đến hạn nộp thuế, DN dù không thanh khoản nổi vẫn cứ phải nộp thuế đầy đủ, nếu không muốn bị ách lại hàng hóa. Nghiêm trọng hơn là từ việc bị chậm trong thanh khoản dẫn tới hàng hóa của DN bị chuyển từ luồng xanh thành luồng vàng, rồi luồng đỏ, có nghĩa là không được thông quan, dù không hoàn toàn do lỗi của DN”, bà Dung nói.

 

Là “nạn nhân” thường xuyên của hệ thống thông quan điện tử, ông Nguyễn Anh Minh, đại điện Công ty TNHH Dynapac cho hay, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS được đánh giá là hiện đại, nhưng thực tế lại khiến DN vất vả hơn so với trước đây.

 

“Nhiều khi chúng tôi phải ‘xin’ cán bộ hải quan được chuyển hàng hóa từ luồng xanh sang luồng vàng để được quyền in giấy trình thông quan tại cửa khẩu và trình chứng từ làm thông quan cho nhanh, chứ nếu đợi kiểm tra qua mạng của hải quan thì DN chết dở”, ông Minh chia sẻ.

 

Một vấn đề khác cũng khiến các DN bức xúc là một số văn bản hướng dẫn về thủ tục hành chính có phần thắt chặt hơn đối với DN và cơ chế sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật có phần “cảm tính”. Theo bà Dung, các cơ quan quản lý khi ban hành văn bản, chính sách mới cần phải lường trước được các tác động đối với môi trường kinh doanh, cũng như kết quả sẽ mang lại.

 

“Tôi chắc là không chỉ riêng DN, mà ngay cả các cán bộ hải quan thời gian gần đây cũng rất vất vả trong việc ghi nhận giải quyết và xây dựng các văn bản mới”, bà Dung nói và chia sẻ, Hiệp hội Dệt may và các DN trong ngành, dù là người đồng hành thân thiết với nhiều bộ, ngành và cơ quan hải quan trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn và sửa đổi, song nhiều lúc cảm thấy rất nản lòng.

 

“Chúng tôi cũng như các DN đã góp ý quá nhiều và giờ đây, nhiều DN không muốn góp ý nữa. Bây giờ, bộ phận soạn thảo văn bản cứ tổng hợp và giải quyết triệt để các ý kiến góp ý từ trước là tốt lắm rồi”, bà Dung nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đánh giá, việc triển khai cải cách các thủ tục hành chính trong thời gian qua đã giải quyết một số vướng mắc cho DN, song thực tế kết quả giải quyết chênh lệch khá nhiều so với yêu cầu cải cách từ phía DN.

 

“Trong quá trình triển khai, việc ban hành nhiều văn bản mới có vẻ như tạo thêm vấn đề hơn là giải quyết vấn đề cho DN. Rõ ràng, mục đích cải cách là chưa đạt được và đây là điều cần phải được xem lại trong quá trình cải cách thủ tục trong các lĩnh vực, trong đó có hải quan”, ông Cung nhấn mạnh.   

 

Theo Hiếu Minh
ĐTCK
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *