Doanh nghiệp 22/05/2019 17:00

Hà Nội: 216 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH hơn 711 tỉ đồng

Sáng 22/5, tại Hà Nội, 216 đơn vị, doanh nghiệp được UBND Thành phố Hà Nội mời đến Hội nghị giải quyết vướng mắc nợ BHXH, BHYT, BHTN đều có số nợ từ hơn 100 triệu đồng tới hơn 33 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của hơn 12.200 lao động.

Hà Nội: 216 doanh nghiệp, đơn vị nợ BHXH hơn 711 tỉ đồng - 1

Danh sách đơn vị nợ BHXH, BHTY, BHTN tới dự Hội nghị được cơ quan bảo hiểm xã hội Hà Nội liệt kê có nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực xây dựng, giao thông, dịch vụ, sản xuất.

Theo đó, thống kê tới hết tháng 4/2019, Công ty Cổ phần LILAMA 3 có số nợ đóng BHXH tương ứng với số tiền trên 33 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 144 lao động; Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment nợ trên 21 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 887 lao động; Công ty Cổ phần Cầu 12 nợ trên 21 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 351 lao động; Cty CP xây dựng Công Trình Giao Thông 1 - Hà Nội nợ trên 20 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của 195 lao động…

Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội nói về nợ BHXH

Bên cạnh những doanh nghiệp có số nợ tới hàng chục tỉ đồng, cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố cũng liệt kê những đơn vị dù chỉ có số nợ vài tỉ đồng, nhưng điều này ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của hàng trăm người lao động.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Sông Đà 6 nợ hơn 5,7 tỉ đồng, ảnh hưởng tới 833 lao động; Công ty Cổ phần Công trình 6 nợ hơn 4 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 102 lao động; Công ty TNHH Dệt Vĩnh Phúc nợ hơn 3,5 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 226 lao động; Công ty CP Phụ tùng và Tư vấn ô tô nợ hơn 1 tỉ đồng, ảnh hưởng tới 181 lao động…

Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN đã tới mức báo động. Ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho biết: “Số liệu nợ BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 12/2018 chưa tới 1.000 tỉ đồng. Nhưng chỉ tới hết tháng 4/2019, số nợ trên đã lên trên 2.000 tỉ đồng”.

Nhiều người lao động đã phản hồi trực tiếp tới cơ quan bảo hiểm xã hội về tình trạng này, ông Vũ Đức Thuật nói: “Số nợ trên là khá lớn và gấp đôi so với thống kê cùng kỳ hàng năm. Cơ quan bảo hiểm thường xuyên nhận được hàng trăm đơn thư của người lao động phản ánh việc không được giải quyết quyền lợi hợp pháp về BHXH, BHYT, BHTN do đơn vị chủ quản nợ đọng BHXH”.

Tại hội nghị, nhiều kiến nghị hợp lý của các đơn vị nợ BHXH đã được UBND, BHXH thành phố tiếp thu và từng bước tháo gỡ khó khăn. Nhiều kiến nghị không thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, Bảo hiểm xã hội thành phố, như: Đề xuất khoanh nợ, giãn nợ.

Tuy nhiên theo ông Vũ Đức Thuật, nhiều đơn vị vẫn đang cố tình trốn, chậm đóng BHXH, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người lao động. Thời gian tới, khối nội chính của thành phố sẽ tăng cường tiến hành thành kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị chậm, nợ đóng BHXH.

Ông Vũ Đức Thuật cũng cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính để phục vụ doanh nghiệp và người lao động.

Nợ BHXH hết tháng 4/2019 lên tới trên 2.000 tỉ đồng

Theo BHXH Hà Nội, hết tháng 4/2019:

- 677 doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố nợ hơn 447 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 82.989 lao động;

- 34.364 doanh nghiệp ngoài quốc doanh nợ hơn 1.380 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 349.510 lao động;

- 843 doanh nghiệp FDI nợ 124 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 34.293 lao động.

- 744 đơn vị hành chính sự nghiệp nợ hơn 100 tỉ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của 38.160 lao động.

Tổng cộng 37.557 đơn vị, doanh nghiệp nợ trên 2.084 tỉ đồng, ảnh hưởng tới hơn 559.000 lao động. Những đơn vị, doanh nghiệp trên thuộc các khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI, đơn vị hành chính sự nghiệp, khối ngoài công lập, khối hợp tác xã, khối hộ gia đình.

Hoàng Mạnh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *