Doanh nghiệp 02/01/2014 20:58

Giám đốc tập đoàn Besra Gold Inc: "Chúng tôi không bỏ chạy!"

Theo Giám đốc tập đoàn Besra Gold, Besra được cấp phép đầu tư thông qua 2 công ty liên doanh vàng Bồng Miêu và vàng Phước Sơn. Hiện tại, Besra vẫn đang hoạt động tại Việt Nam thông qua hai công ty liên doanh và không “bỏ chạy”.

Ngày 21.12.2013, báo điện tử Một Thế Giới đã đăng loạt bài liên quan đến hoạt động của 2 công ty vàng lớn nhất Việt Nam là Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH vàng Phước Sơn. Chiều ngày 1.1.2014, Một Thế Giới đã có cuộc làm việc với ông Darin Lee - Giám đốc Điều hành sản xuất Tập đoàn Besra Gold Inc tại Việt Nam, trao đổi thẳng thắn về các thông tin đặt ra trong các bài viết nêu trên. Để rộng đường dư luận và tôn trọng ý kiến phản hồi, chúng tôi đăng chi tiết phần trao đổi này. 

 
PV: Với những động thái gần đây, chúng tôi đã đặt nghi vấn Besra sẽ không tiếp tục đầu tư tại Việt Nam nữa đối với 2 công ty vàng?

 
Ông Darin Lee: Besra được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép đầu tư cũng như giấy phép khai thác thông qua 2 công ty liên doanh vàng Bồng Miêu và vàng Phước Sơn. Besra luôn ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện tại, Besra vẫn đang hoạt động tại Việt Nam thông qua hai công ty liên doanh. Chúng tôi không “bỏ chạy”.
 
 
Chúng tôi đã đặt vấn đề về minh bạch số liệu của Besra trong những bài viết trước đây. Ngoài việc thua lỗ liên tục, liệu Besra có khoản lợi nhuận bí ẩn nào mà các cơ quan chức năng Việt Nam không giám sát được?
 
 
Số liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu đều được báo cáo thường niên cho Cục Thuế tỉnh Quảng Nam và các cơ quan có liên quan thông qua các báo cáo tài chính hằng năm và các đợt kiểm tra thuế. 
 
 
Trung bình mỗi năm có khoảng 15 đợt kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng, ban ngành đối với hai công ty liên doanh như thanh tra thuế, thanh tra môi trường, hoạt động khai khoáng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, phòng cháy chữa cháy... Besra luôn hợp tác trong tất cả những hoạt động thanh kiểm tra đó.
 
 
Thêm nữa, các số liệu và sổ sách kế toán của công ty đều được kiểm toán bởi công ty kiểm toán quốc tế Ernest Young và được công khai xuất bản thường quý. Chứng khoán của Besra được niêm yết trên sàn chứng khoán Canada và Úc.
 
 
Data Center của Besra có cả ở Việt Nam và New Zeland chứ không phải toàn bộ Data center của Besra được đưa ra nước ngoài như tác giả đã nêu trong bài báo. Đối với một công ty quốc tế thì việc lưu trữ dữ liệu ở nhiều quốc gia là hoạt động bình thường, nhằm tạo điều kiện để các công ty trực thuộc tại các quốc gia khác nhau dễ dàng truy cập dữ liệu tại nước đó.
 
 
Một số quốc gia khác như Singapore nghiêm cấm việc các công ty hoạt động tại quốc gia này đưa data center ra nước ngoài?
 
 
Nhưng chúng tôi đang ở Việt Nam!
 

Trên một số phương tiện truyền thông Việt Nam và cả ý kiến của ông Phan Quang Tú - Phó viện trưởng Viện tư vấn Phát triển đã từng nói ộng thái của Besra là dọa dẫm và gây áp lực đối với các cơ quan chức năng phía Việt Nam?

 
 
Besra phản ánh tình trạng thực tế của công ty và kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng chứ không than vãn, dọa dẫm, gây áp lực... trong mọi công văn gửi các cơ quan chức năng cũng như các cuộc họp trực tiếp.
 

Vậy tình hình ngưng hoạt động của nhà máy vàng tại Phước Sơn đến nay như thế nào?

 
 
Ngày 26.11.2013, Phước Sơn đã có thông báo tạm thời đóng cửa nhà máy do một số nhân viên nhà bếp của nhà máy chặn đường sau quyết định đóng cửa nhà bếp của lãnh đạo Besra trong chính sách tiết giảm chi phí cho toàn công ty. Tuy nhiên, chỉ một ngày ngay sau đó, khi sự việc được giải quyết, Phước Sơn đã có thông báo hoạt động trở lại vào 3 giờ chiều ngày 27.11.2013. 
 
 
Đối với nhà máy vàng Bồng Miêu, do hậu quả của bão lụt nên đến nay chúng tôi vẫn chưa khắc phục xong nên vẫn còn ngưng hoạt động. Riêng tại Phước Sơn ngày 27.12 vừa qua chúng tôi phải tạm ngưng lại một lần nữa vì sự cố chặn đường vào nhà máy và hoạt động lại ngay sau đó. Chúng tôi chỉ tạm ngưng chứ không phải ngưng hoàn toàn như thông tin báo đã nhầm lẫn.
 

Theo nội dung công văn 4492 của Tổng cục Hải quan, trước đó Tổng cục Hải quan đã đề nghị truy thu số tiền thuế gần 250 tỉ đồng đối với việc xuất khẩu gần 4,5 tấn vàng, có nghĩa Besra đã cố tình lách thuế của Nhà nước Việt Nam?

 
 
Trước tháng 4.2011, Phước Sơn và Bồng Miêu chỉ xuất khẩu vàng thỏi dore chưa được tinh luyện thành vàng 99,99%. Kể từ tháng 4.2011 đến tháng 8.2013, hai công ty mới xuất khẩu vàng có hàm lượng 99,99% được hưởng thuế suất 0% theo luật thuế Việt Nam thông qua Cục Hải quan TP.HCM. 
 
 
Sản phẩm vàng thỏi dore của nhà máy vàng Phước Sơn và Bồng Miêu được chuyển đến Trung tâm Vàng ACB để phân kim đạt hàm lượng 99,99% thực hiện giám định dựa trên hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. 
 
 
Sau khi đã phân kim thành vàng 99,99%, Trung tâm Vàng ACB gửi số vàng này đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), một tổ chức khoa học và công nghệ thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và công nghệ để giám định và xác nhận hàm lượng vàng đạt 99,99%.
 
 
Quatest 3 cấp giấy chứng nhận hàm lượng vàng đạt 99,99% cho tất cả các sản phẩm vàng phân kim do ACB thực hiện cho hai công ty chúng tôi tại thời điểm trên. Công ty vàng Phước Sơn và vàng Bồng Miêu không hợp đồng trực tiếp với Quatest 3.
 
 
Trong thời gian xuất khẩu vàng từ 4.2011 đến 8.2013, hai công ty dùng chứng thư xác nhận hàm lượng vàng đã phân kim đạt 99,99% của Quatest 3. Đồng thời, mọi lô hàng cùng những tài liệu và giấy chứng nhận có liên quan đều được kiểm tra và thông quan bởi đơn vị hải quan địa phương tại cảng xuất khẩu. 
 
 
Căn cứ theo quy định của Luật Thương mại, Quatest 3 là đơn vị đã được cấp phép hợp lệ và có đủ năng lực để giám định hàm lượng vàng tại Việt Nam. Trên thực tế, các giấy chứng nhận do Quatest 3 cấp được sử dụng rộng rãi trong các hồ sơ khai thuế xuất khẩu và nhập khẩu ở khu vực phía Nam Việt Nam hàng chục năm nay.
 
 
Hoạt động xuất khẩu vàng của 2 công ty đã được thực hiện theo đúng quy trình và thủ tục luật pháp của Việt Nam cho đến ngày 6.8.2013, Tổng cục Hải quan gửi công văn nội bộ số 4492/TCHQ-GSQL đến các cục hải quan các tỉnh, thành phố. 
 
 
Trong đó có nội dung: “Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (tại Công văn số 8218/NHNN-QLNH ngày 13.12.2012) chỉ có Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC có máy móc thiết bị phân kim vàng 99.99% và kiểm định vàng, do đó các đơn vị được căn cứ vào chứng thư giám định vàng 99.99% của đơn vị này để làm thủ tục xuất khẩu”.Theo đó, hoạt động xuất khẩu vàng của hai công ty bị dừng lại.
 
 
Ông Darin Lee - Giám đốc điều hành sản xuất của Besra tại Việt Nam (Ảnh: Congly.com.vn)
 
 
Nội dung công văn số 4492/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan được dựa trên công văn số 8218/NHNN-QLNH, ngày 13.12.2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời Tổng cục Hải quan về việc “khả năng phân kim vàng và việc giám định vàng”, trong đó có đoạn nêu: “Hiện nay, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC (trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP.HCM) là đơn vị đã được Ngân hàng Nhà nước giao sản xuất, gia công vàng miếng SJC. Đơn vị này có máy kiểm định vàng bốn số 9 do Viện vật lý Hạt nhân Đà Lạt sản xuất, đồng thời cũng có khả năng phân kim vàng. Do đó, quý cơ quan có thểliên hệ với Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC để có thêm thông tin”.
 
 
Dựa trên những từ “có thể”“có máy” trong công văn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã khẳng định SJC là đơn vị duy nhất có chức năng giám định vàng và kiểm định vàng có hàm lượng 99,99% tại Việt Nam. Điều này trái với các điều khoản của Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm về hàng hóa và các văn bản dưới luật hướng dẫn những luật này.
 
 
Trước đó, ngày 1.4.2013 Tổng cục Hải quan đã ra quyết định truy thu 250 tỉ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng đối với Phước Sơn và Bồng Miêu do không chấp nhận chứng thư giám định vàng 99,99% do Quatest 3 cấp.
 
 
Do vậy, Besra đã hai lần đưa đơn khiếu nại đến Bộ Tài chính về Quyết định ấn định thuế của Tổng cục Hải quan, lần thứ nhất vào ngày 15.5.2013, lần thứ 2 vào ngày 13.8.2013 và cho đến nay vẫn đang trong thời gian chờ giải quyết từ phía Bộ Tài Chính, chưa có kết luận cuối cùng.

 
Besra vẫn đang trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại từ Bộ tài chính, đồng thời đã và đang tuân thủ yêu cầu thay đổi đơn vị giám định từ Quatest 3 sang SJC của Tổng Cục Hải quan, sau khi công văn số 4492/TCHQ-GSQL ngày 6.8.2013 của Tổng Cục Hải quan được cơ quan hải quan địa phương áp dụng.

Từ khi hoạt động đến nay, Besra đã mang lại lợi ích gì cho địa phương?

 
 
Tính đến tháng 2.2013, Besra đã đóng 731 tỉ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước thông qua hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu.
 
 
Tính đến ngày 22.12.2013, Besra đã trực tiếp tạo việc làm cho hơn 1.600 lao động Việt Nam cũng như gián tiếp tạo hàng ngàn việc làm thông qua các đối tác và nhà thầu trong nước.
 
 
Đến tháng 2.2013, tổng chi phí mà chúng tôi trả cho nhà cung cấp và nhà thầu địa phương lên đến gần 3.300 tỉ đồng.
 
 
Công ty cũng đã giành ngân sách khoảng 45 tỉ đồng (2,3 triệu USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng từ xây dựng đường sá, phòng học, hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo, chương trình giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp cho cộng đồng địa phương nơi công ty đang hoạt động. Gần đây nhất, Besra cùng với Phước Sơn và Bồng Miêu đã thực hiện một chuyến đi xuyên Việt từ thiện bằng xe máy từ Hà Nội đến TP.HCM và đã quyên góp được số tiền hơn 4,5 tỉ đồng (220.000 USD) nhằm đầu tư cho dự án chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Quảng Nam.
Theo Besra, ngoài thuế, trên đây là những phúc lợi mà tập đoàn này đã mang lại khi khai thác hai mỏ vàng lớn nhất Việt Nam.
 

 

Theo chúng tôi được biết, muốn giao dịch được trên thị trường vàng thế giới, vàng nguyên liệu phải qua một nhà máy tinh luyện được công nhận tiêu chuẩn London Good Delivery, vậy Besra có nhà máy tinh luyện hay không?

 
 
Hiện Besra có thiết bị tinh luyện vàng tại nhà máy vàng Phước Sơn để làm ra vàng có hàm lượng 99,99%.
 
 
Theo Minh Sơn
Một thế giới
 
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *