Doanh nghiệp 14/08/2014 06:22

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Vinalines tự vay được phải tự trả được”

FICA - "Vinalines khác Vinashin, Vinalines không thể khó khăn như Vinashin nên không thể có cơ chế ưu đãi riêng như Vinashin được", Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định

Phát biểu tại cuộc họp về tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sáng ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Vinalines khác Vinashin, Vinalines không thể khó khăn như Vinashin nên không thể có cơ chế ưu đãi riêng như Vinashin được”.

 

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Lãnh đạo Vinalines đã thông báo kế hoạch cổ phần hóa của tổng công ty này với Bộ GTVT và kế hoạch tái cơ cấu tài chính, xử lý nợ của các công ty thành viên với đại diện 20 tổ chức tín dụng đang là chủ nợ của Vinalines.

 

Đến thời điểm hiện tại, Vinalines đã hoàn thành cổ phần hóa 7/12 doanh nghiệp (DN) được giao, trong đó đã hoàn thành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) 6 cảng là: Khuyến Lương, Quy Nhơn, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng và Công ty TNHH một thành viên Vinalines Nha Trang, còn cảng Quảng Ninh đang hoàn tất thủ tục để chuyển sang mô hình Công ty cổ phần trong 1 đến 2 tháng tới. 5 DN là các cảng Sài Gòn, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh và cảng Cần Thơ cũng đã hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp, đang chờ thẩm tra và dự kiến sẽ hoàn thành IPO trước ngày 31/12/2014. Theo kế hoạch được giao, trong quý 1/2015 công ty mẹ Vinalines phải hoàn tất cổ phần hóa, đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng phải thực hiện bằng được.

 

Bộ trưởng Thăng đôn đốc các lãnh đạo Vinalines và đơn vị thành viên tuân thủ đúng kế hoạch cổ phần hóa, ai sợ trách nhiệm thì tự chuyển công tác và thay thế. Ông Thăng cũng chỉ rõ các cơ chế cho Vinalines đã rất ưu đãi, tự vay được thì phải tự lên phương án trả nợ: “Vinalines khác Vinashin, Vinalines không thể khó khăn như Vinashin nên không thể đòi được cơ chế ưu đãi riêng như Vinashin được. DN tự vay thì phải tự trả. Khoanh nợ, giãn nợ chỉ là giải pháp tình thế, sau này phải chắt chiu trả nợ. Lúc thuận lợi thì ngân hàng cho vay, khi khó khăn thì phải phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để cùng tháo gỡ. Đừng nghĩ khoanh nợ, giãn nợ là xóa nợ, không có chuyện đó”.

 

Tại cuộc họp, đại diện Bộ GTVT, Vinalines đã chia sẻ và trực tiếp nghe các ý kiến của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 22 tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (NHTM) đang là chủ nợ của Vinalines về các phương án và cách thức xử lý nợ của Vinalines và các công ty con trong thời gian tới. Bộ GTVT đưa đề xuất chuyển nợ của các ngân hàng thành vốn góp, bán thanh lý các tài sản thế chấp hoặc xử lý các khoản nợ thông qua Tổng công ty mua bán nợ DATC. 10/22 tổ chức tín dụng và NHTM đã đồng ý, nhưng đưa ra các điều kiện cũng như khó khăn, đó là vướng mắc trong tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước tại các cảng biển duy trì mức cao 75% sẽ cản trở mục tiêu đổi mới quản trị, các NHTM đề xuất chuyển tỷ lệ này xuống còn 51% hoặc dưới 51%.

 

Bên cạnh đó, việc chuyển nợ thành vốn góp cũng không được nhiều NHTM mặn mà bởi theo ông Trần Xuân Hòa, Phó TGĐ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): hiện nay các tổ chức tín dụng đang phải thu hẹp dần vốn đầu tư ngoài lĩnh vực chính nên việc chuyển phần nợ thành vốn góp là khó.

 

Bộ Trưởng Thăng cũng giao nhiệm vụ cho các thứ trưởng bàn bạc tiếp với lãnh đạo NHNN, các tổ chức tin dụng để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vinalines trong thời gian tới.

 

Cũng ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng khẳng định, không lùi thời gian cổ phần hóa hai tổng công ty này. Riêng Vinashin, chỉ giữ 9 DN nòng cốt, còn 260 DN con hoạt động kém hiệu quả đã được lên danh sách loại bỏ, các DN phá sản phải bán tài sản để giảm thiệt hại cho Nhà nước.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *