Doanh nghiệp giới thiệu 30/06/2015 08:39

DLG “dấn thân” đa ngành

Là DN đầu tiên của VN mua lại DN nước ngoài thông qua việc hoán đổi cổ phiếu, liệu việc “lấn sân chơi mới” này của Đức Long Gia Lai (DLG) có thành công khi chọn lựa chiến lược “đa ngành” ?

DLGdanthan1Một số chỉ tiêu tài chính của DLG qua các năm

DLG khởi đầu là một DN chế biến gỗ tiêu dùng, kinh doanh bất động sản, thủy điện, nhà hàng khách sạn… sau 20 năm phát triển, DN này xác định mục tiêu là một tập đoàn đa ngành nghề với chiến lược là nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, và mới nhất là sản xuất linh kiện điện tử.

Thương vụ mở đường

Mới đây, UBCKNN  vừa cấp giấy chứng nhận phát hành cổ phiếu cho DLG để hoán đổi cổ phiếu nhằm mua lại Mass Noble – một Cty có gần 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử với thị trường tiêu thụ ổn định tại Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Với số vốn được Bộ Kế hoạch Đầu tư chứng nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài là gần 250 tỷ đồng, DLG đã thực hiện thành công thương vụ hoán đổi cổ phiếu với Cty Mass Noble Investments Limited của Mỹ, trở thành DN VN đầu tiên mua lại Cty nước ngoài. Theo đó, DLG sẽ phát hành 19.932.609 cổ phiếu cho các cổ đông của Cty Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/CP.

Thông qua đó, DLG sẽ nắm quyền điều hành đồng nghĩa với việc trở thành chủ sở hữu Cty sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ có trụ sở tại Hong Kong, nhà máy đặt tại TP Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngoài việc nắm quyền điều hành nhà máy ANSEN, DLG có được khoản thặng dư từ đợt phát hành gần 60 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, lãnh đạo DLG cho biết khi đạt được doanh thu tăng trưởng ổn định từ hoạt động sản xuất linh kiện điện tử ở nước ngoài, DLG sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống các nhà máy sản xuất hiện đại tại TP HCM, Bình Dương và Đà Nẵng nhằm đưa những sản phẩm điện tử công nghệ cao tối ưu nhất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại Đại hội cổ đông mới đây, ông Bùi Pháp – Chủ tịch HĐQT của DLG khẳng định: “DLG sẽ kiên định tập trung 4 lĩnh vực trọng điểm nhất: cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng và linh kiện điện tử. Đồng thời, Tập đoàn cũng sẽ thoái vốn ở các ngành nghề truyền thống (kinh doanh gỗ) để tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực mới.

Chia tay ngành truyền thống

Được biết, trước mắt ngành bị thoái vốn đầu tiên chính là các sản phẩm từ gỗ. Theo đó, Tập đoàn chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Cty Chế biến gỗ Đức Long Gia Lai (vốn điều lệ 35 tỉ đồng) cho Bamboo Capital và chính thức không còn là “mẹ” của Cty này kể từ quý II/2015.

Ngành khai thác và chế biến gỗ vốn là mảng chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của DLG những năm đầu mới thành lập. Doanh thu từ gỗ và sản phẩm gỗ vẫn chiếm 35% trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mọi việc có vẻ như không còn “xuôi chèo mát mái” khi chính sách đóng cửa rừng của Chính phủ ngày càng thắt chặt. Trong khi đó, các thị trường như Châu Âu, Mỹ, Austraylia… lại tiếp tục thắt chặt kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu khiến cho việc xuất khẩu của các DN trong ngành càng khó khăn hơn.


Sang năm 2015, DLG đặt kế hoạch tăng vọt về cả doanh thu và lợi nhuận. Với mục tiêu trong năm 2015 doanh thu tăng gần 150% lên 2.500 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 265 tỷ đồng, tăng 388%. Nếu đạt được mức lợi nhuận này, EPS của Cty dự kiến 733 đồng và cổ tức là 7% mệnh giá.

Tuy nhiên, cũng tại Đại hội cổ đông 2015 của  DLG, rất nhiều dấu hỏi được đặt ra với việc DLG quyết định tăng vốn điều lệ thêm hơn 2.000 tỉ đồng để bổ sung vốn cho các dự án. Nhiều nhà đầu tư quan ngại về mức độ rủi ro trong việc dàn trải đồng vốn của họ vào nhiều dự án trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Theo ông Nguyễn Hữu Hải – Chuyên viên phân tích Cty Chứng khoán SHS, thì yếu tố doanh thu lợi nhuận liên tục suy giảm trong giai đoạn trước đây nên các chỉ tiêu sinh lời đa số đều ở mức rất thấp và đều có chiều hướng suy giảm mạnh. Chỉ số ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) suy giảm cho thấy việc sử dụng đồng vốn của cổ đông chưa hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu do trong giai đoạn này DLG phải tiến hành tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án mang tính lâu dài và tạm thời không đem lại hiệu quả sinh lời trong ngắn hạn. Áp lực đòn bẩy tài chính bị đẩy lên cao khiến hệ số lợi nhuận ròng giảm sút nghiêm trọng trong khi quy mô tài sản gia tăng liên tục khiến hiệu suất sử dụng tài sản và hiệu suất sử dụng vốn suy giảm. Đây là điều đáng lo ngại cho DLG trong giai đoạn tới.

Thêm “cánh”, DLG bay xa?

Có thể nói, sau một năm tái cấu trúc, DLG đã đạt được những kết quả ban đầu trong ngành nông nghiệp, chủ yếu từ trồng bắp. Báo cáo thường niên 2014 cho thấy mảng nông nghiệp đã đem lại doanh thu hơn 60 tỉ đồng (chiếm 6% tổng doanh thu) nhưng góp hơn 42 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế (chiếm 80% tổng lợi nhuận).

DLGdanthan2

Theo báo cáo tài chính sở dĩ DLG có doanh số lớn là vì ngành nông nghiệp là lĩnh vực được Nhà nước hỗ trợ nhiều; thị trường cây nông nghiệp ngắn ngày còn rất tiềm năng khi VN phải nhập khẩu 3 tỉ USD nguyên liệu bắp, đậu tương, bột cá… Ngoài ra DLG còn có lợi thế về quỹ đất rộng lớn, có kinh nghiệm trong việc trồng và chế biến cây nông nghiệp… Ngoài trồng cây ngắn ngày, DLG còn đặt tham vọng lấn sân sang chăn nuôi bò sữa và bò thịt. Dự kiến, quy mô của dự án lên đến 80.000 con bò sữa, 45.000 con bò thịt với tổng vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngoài nông nghiệp, ngành chiến lược mũi nhọn khác cũng sắp đem lại doanh thu cho DLG là xây dựng các dự án hạ tầng theo hình thức BOT hoặc BT. Cty tham gia vào các dự án lớn tại khu vực Tây Nguyên. Sau khi xây dựng xong, các Cty con của DLG sẽ được thu phí trong vài chục năm, giúp có doanh thu ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, mảng xây dựng này DLG vẫn phải cạnh tranh với không ít DNNN cũng như các ông lớn trong ngành.

Theo Cty Chứng khoán ACBS, nhìn vào cơ cấu của DLG cho thấy giấc mơ đa ngành, khiến cho nguồn lực bị phân tán. Tập đoàn sử dụng đến 85% nguồn vốn từ ngân hàng cho các dự án hạ tầng và đang phải huy động thêm vốn (tăng vốn gấp đôi trong năm 2014, dự kiến tăng tiếp thêm 2,4 lần lên hơn 3.500 tỉ đồng) để phục vụ cho dự án như nông nghiệp và cơ cấu nợ.

Rất nhiều dấu hỏi được đặt ra với việc DLG quyết định tăng vốn điều lệ thêm hơn 2.000 tỉ đồng để bổ sung vốn cho các dự án
Về năng lượng sạch, DLG ký kết dự án 150 triệu USD với tập đoàn hàng đầu về điện gió Merica của Đức và dự kiến triển khai trong năm 2015 này. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới. Đó là chưa kể điện gió có chi phí đầu tư lớn, trong khi giá bán thấp và phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế mua điện độc quyền của Tập đoàn Điện lực VN, nên rất khó có lợi nhuận cao. Các dự án điện gió hiện tại phần lớn nhận được tài trợ từ nước ngoài, trong đó dự án điện gió ở Bạc Liêu do Mỹ tài trợ hoàn toàn.

Trong khi đó, thủy điện là một thất bại lớn với DLG những năm qua. Nhiều dự án lớn như Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Thủy điện Sông Sen, Thủy điện Mỹ Lý (Nghệ An)… và cả những dự án nhỏ hơn như Krongpa, Dakspay (Gia Lai)… tất cả đều bị hủy hoặc đang tạm dừng. Trong phần báo cáo tài chính của DLG cho thấy DN này chỉ thu được vài tỉ đồng từ điện và mới có dự án Tà Nu (Lâm Đồng) hoạt động.

Câu chuyện đa ngành của DLG được viết tiếp với việc lấn sân sang lĩnh vực linh kiện điện tử, được cho là “khó nuốt” cho dù Mass Noble dự kiến sẽ đem lại khoảng 1.200 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng doanh thu của DLG trong năm 2015. Tuy nhiên, việc bước chân vào quá nhiều lĩnh vực mới khiến cho giới đầu tư lo ngại DLG sẽ không thể biến giấc mơ thành hiện thực.

Theo Phương Hà

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *