Chứng Khoán 22/08/2014 16:24

Vượt 620 điểm, VN-Index sắp lập kỷ lục mới từ 2009

FICA - Thanh khoản tiếp tục dâng cao với dòng tiền đổ mạnh vào thị trưởng của cả phía nhà đầu tư nội lẫn nhà đầu tư ngoại. GAS tăng 4.000 đồng và là động lực lớn cho VN-Index.

Với 140 mã cổ phiếu tăng giá - gấp đôi số mã giảm giá trên sàn TPHCM (HoSE) hôm nay (22/8), chỉ số VN-Index vọt tăng 7,2 điểm tương ứng 1,17% lên 620,14 điểm - đứng trước ngưỡng kỷ lục 5 năm kể từ 2009. Thanh khoản sàn đạt 163,5 triệu cổ phiếu tương ứng 2.797,1 tỷ đồng. 

Chỉ số VN-Index được hỗ trợ đáng kể bởi các mã vốn hóa lớn như GAS (tăng 4.000 đồng); VIC (tăng 1.500 đồng) và MSN (tăng 1.000 đồng). VNM đứng giá, BID mất 300 đồng, BVH mất 100 đồng... song tác động không lớn lên xu hướng thị trường. VHC, DLC, SJS, KBC, KSH... tăng trần. 

Phiên này, FLC và ITA có bứt phá mạnh mẽ về thanh khoản, khớp lệnh lần lượt đạt 28,5 triệu cổ phiếu và 17,8 triệu cổ phiếu. FLC tăng giá nhẹ 100 đồng còn ITA tăng 400 đồng. VNM tiếp tục thỏa thuận khối lượng lớn, 1,18 triệu cổ phiếu tương ứng 141,5 tỷ đồng. Trong khi đó, khối lượng thỏa thuận tại KBC lên tới 9,45 triệu đơn vị, tương ứng 106,7 tỷ đồng.

HNX-Index phiên cuối tuần cũng lấy lại được đà tăng, mức tăng đạt 0,33 điểm tương ứng 0,4% lên 83,34 điểm nhờ 110 mã tăng giá so với 85 mã giảm.

Diễn biến VN-Index trong 5 năm.

Thanh khoản HNX đạt xấp xỉ 60 triệu cổ phiếu tương ứng 765,2 tỷ đồng. Trong đó, PVX khớp 6,1 triệu cổ phiếu, SCR khớp 5,9 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại duy trì mua ròng phiên thứ 2 trên HoSE, khối lượng sụt giảm so với phiên hôm qua nhưng vẫn đạt cao 2,13 triệu đơn vị tương ứng 73,96 tỷ đồng. Các cổ phiếu nằm trong tầm ngắm của khối ngoại phiên này có OGC, HT1, SAM, VCB, PPC, KBC... Nhóm cổ phiếu bị bán ròng gồm có HPG, ITA, VSH, HAG, HBC, VHG...

Khối lượng mua ròng của khối ngoại trên HNX bật tăng rất mạnh, lên tới 1,1 triệu cổ phiếu tương ứng 23,94 tỷ đồng, chủ yếu tại VND và PVS.

Thị trường tăng trưởng mạnh mẽ khi các thành phố lớn bắt đầu hé mở thông tin về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2014. Điều ngạc nhiên là kết quả CPI khác tiêu cực với mức tăng thấp tại Hà Nội và TPHCM - hai đầu cầu kinh tế của cả nước. So với tháng 7, CPI Hà Nội tăng 0,19% chủ yếu do nhu cầu lên cao trong Rằm Tháng Bảy âm lịch, còn CPI thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,05%, thậm chí giảm phát 0,07% so với cùng kỳ.

Xu hướng giảm của CPI so với cùng kỳ cho thấy sức cầu phục hồi yếu và có thể tác động xấu lên đà phục hồi của tăng trưởng GDP trong quý III, quý IV.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *