Chứng Khoán 04/08/2014 16:46

"Khóc, cười" với cổ tức

Đầu tư cổ phiếu, các cổ đông đều mong muốn được nhận về những khoản cổ tức hấp dẫn được chia từ lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong khi không ít cổ đông hồ hởi bởi nhận những khoản cổ tức khá cao thì không ít cổ đông khác lại ngậm ngùi trước điệp khúc nợ cổ tức triền miên. Trong đó, không ít doanh nghiệp dù đạt lợi nhuận rất lớn nhưng vẫn không chịu mở hầu bao để chia cổ tức cho cổ đông.

 

Nức lòng với tỷ lệ trả cổ tức “khủng”

Trong tháng 8-2014, Tập đoàn Vingroup (VIC) sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2013 cho cổ đông với tỷ lệ 21,49% bằng tiền mặt. Như vậy, VIC sẽ phải chi ra xấp xỉ 2.000 tỷ đồng để thanh toán cho đợt cổ tức lần này. Ngoài ra, VIC còn phát hành thêm 452,7 triệu cổ phần với tổng giá trị 4.527 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014 theo tỷ lệ 1.000:487.

Trong năm 2013, VIC đạt 18.378 tỷ đồng doanh thu, tăng 133% so với năm 2012 và 7.149 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gần gấp 3 lần mức lợi nhuận của năm 2012. Đây cũng là năm VIC đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với VIC, nhiều doanh nghiệp khác cũng làm nức lòng các cổ đông khi thực hiện chi trả cổ tức năm 2013 với tỷ lệ cao như DPM (Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí) 50%, GAS (Tổng Công  ty Khí Việt Nam) 42%, FPT (Công ty CP Tập đoàn FPT) 42%, DHG (Công ty CP Dược Hậu Giang) 15%...

Đặc biệt, trong khi công ty mẹ là Công ty CP Tập đoàn Masan tiếp tục điệp khúc “nói không với” cổ tức thì Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan lại bất ngờ chi ra khoảng 5.800 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2013 và tạm ứng năm 2014 cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 110%.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cũng gây bất ngờ với tỷ lệ cổ tức “khủng” như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI). Theo đó, SDI thông báo trả cổ tức năm 2012 – 2013 với tổng tỷ lệ 118,75%. Trong đó, tỷ lệ cổ tức năm 2012 là 35,65% và 2013 là 83,1%. Công ty CP Thủy điện Nà Lơi (NLC) cũng trả cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 42%, Công ty CP Công trình Giao thông vận tải Quảng Nam tỷ lệ 55%, Công ty Mía đường Lam Sơn 40%...

Ấm ức với điệp khúc “khất, nợ”

Cổ đông của MSN (Công ty CP Tập đoàn Masan) có lẽ là những người chịu “ngậm ngùi” nhiều nhất bởi lẽ kể từ khi bắt đầu niêm yết năm 2009 đến nay, MSN chưa từng một lần chia cổ tức cho cổ đông. Điệp khúc này tiếp tục được lặp lại đối với cổ tức năm 2013 dù lợi nhuận chưa phân phối của công ty này lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Lý do “khất” cổ tức được MSN đưa ra là dùng toàn bộ số vốn và lợi nhuận chưa phân phối để tái đầu tư và thực hiện vài thương vụ mua bán sáp nhập khác. Đây sẽ là đòn bẩy để giúp MSN nhanh chóng đạt được kế hoạch lợi nhuận “tỷ USD”.

Một điển hình khác về nợ cổ tức là Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) với “thâm niên” nợ cổ tức suốt từ năm 2011 đến nay. Từ năm 2012, SMA hứa chỉ trả cổ tức năm 2011 với tỷ lệ 14%. Nhưng đến nay, cổ đông mới chỉ nhận được vỏn vẹn 2% cổ tức qua 2 lần chi trả. 12% còn lại liên tục bị thất hứa kể từ đó đến nay. Mới đây, công ty lại tiếp tục thông báo hoãn trả khoản cổ tức này từ tháng 6-2014 đến tận cuối năm 2014.

Công ty CP Công trình Giao thông Sông Đà (SKS) cũng vừa có thông báo dời ngày thanh toán cổ tức tiền mặt của năm 2012 từ ngày 18-7 sang ngày 24-10. Như vậy, đây là lần thứ 3 SKS dời ngày thanh toán cổ tức năm 2012. Nguyên nhân được SKS đưa ra là do việc thu hồi vốn từ các công trình xây dựng của công ty gặp nhiều khó khăn, khách hàng bí vốn khiến nợ đọng nhiều nên công ty chưa sắp xếp được tài chính để trả cổ tức đúng hạn.

Nợ cổ tức là tình trạng khá phổ biến trong những năm gần đây do tình hình kinh doanh khó khăn. Trong cuộc gặp mặt báo chí mới đây, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, Sở đã thực hiện nhắc nhở, cảnh báo nhiều DN về việc nợ cổ tức. Ngoài ra, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng đã có kiến nghị với Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc xử phạt các DN nợ cổ tức.

Theo dự báo của bà Trần Anh Đào, Phó Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, sắp tới nếu có điều chỉnh Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhiều khả năng việc xử phạt này sẽ được đưa vào nội dung sửa đổi. Theo đó, quy định này sẽ được áp dụng trễ nhất là vào năm tới.

 
Theo Nguyễn Hiền
Hải quan
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *