Đầu tư 25/12/2013 07:16

Doanh nghiệp lo ngắn, quên dài

Hai cái lo nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là vốn và thị trường.

Lo về vốn để tiếp tục duy trì sản xuất, đây là nỗi lo ngay tại thời điểm này. Lo về thị trường để giải quyết hàng tồn kho, sớm quay vòng vốn cho quy trình sản xuất kinh doanh tiếp theo, là nỗi lo ở một tầm dài hơi hơn. Hai cái lo “ngắn” và “dài” như vậy nhưng sự đồng thuận “lên tiếng” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ là “vốn, vốn và vốn”, còn sự kêu gọi cơ quan chức năng hỗ trợ về thị trường lại rất yếu ớt. Hãy đặt câu hỏi rằng: Nếu doanh nghiệp vay được vốn, hôm nay tiếp tục duy trì được sản xuất, nhưng ngày mai hàng hóa có bán được hay không? Không bán được thì đồng vốn vay hôm nay lấy gì để trả lại?

Cơ hội hội nhập sẽ không đến nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị đầy đủ hành trang để mở rộng thị trường (ảnh: KT)

Bên ngoài hội trường buổi gặp mặt giữa doanh nghiệp với Tham tán thương mại diễn ra trong tuần qua, ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đạt Thúy đã rất phấn khởi kể về Dự án trồng bông bên Lào của mình, khi các thủ tục xin cấp đất và trả tiền thuê 9.500ha đất đã được hoàn tất và chuẩn bị đi vào thực hiện. Sự phấn khởi này là đáng nói vì không chỉ giúp doanh nghiệp “làm tất - ăn cả”, giảm rủi ro khi tự chủ nguyên liệu dệt may cho hàng xuất khẩu của mình, mà chính là một cách đầu tư chiến lược để nắm bắt cơ hội và giảm thiểu thách thức từ hội nhập. Dự án trồng bông này khi có “kết quả” sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng được “trái ngọt” là những ưu đãi về thuế suất trên thị trường quốc tế vì đạt được tỉ lệ nội địa hóa cao theo cam kết từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có cái nhìn xa như Công ty Đạt Thúy. Cơ hội thì đã có ngay từ khi các nhà đàm phán nước ta đi “đấu” ở sân chơi hội nhập, để mang về những điều khoản có lợi nhất cho doanh nghiệp khi các Hiệp định thương mại có hiệu lực. Nhưng nếu không chuẩn bị sẵn sàng, đón lấy cơ hội, đồng nghĩa thách thức cũng ập tới.

Lấy ví dụ là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được 12 nước thành viên hai bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam chúng ta kỳ vọng sẽ đàm phán thành công ngay trong năm 2014 tới. Lâu nay, chúng ta vẫn nghe về các đàm phán căng thẳng liên quan đến quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may trong TPP, hiểu đơn giản là hàng hóa dệt may nếu muốn hưởng thuế 0% khi xuất khẩu vào các nước TPP thì mọi công đoạn từ sợi trở đi phải được làm ở các nước thành viên TPP.

Theo quy tắc “trò chơi” này, chẳng có cái áo, cái quần, thậm chí là đôi tất nào từ Việt Nam được miễn thuế khi xuất khẩu sang các nước TPP. Nguy cơ ấy là có thực vì dệt may, mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của nước ta đến nay vẫn được gọi là mặt hàng xuất khẩu sức lao động. Gọi là vậy vì “người trong ngành” cũng chia sẻ là có tới 90% nguyên phụ liệu đầu vào đang được nhập khẩu từ nước ngoài, như nhập vải từ Trung Quốc, sợi chỉ nhập của Hàn Quốc và các loại phụ kiện khác đến từ các nước ASEAN, mà các nước này không phải là thành viên của TPP.

Dệt may - ngành được đánh giá là chủ động và tích cực nhất trong việc sẵn sàng đón lấy cơ hội từ TPP, giờ còn nhiều thách thức là thế, chưa nói đến hàng loạt ngành hàng khác ở nước ta. Bởi lẽ ngoài nông sản, phần lớn các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh khác của Việt Nam như giày dép, đồ gỗ hay điện tử đều đang sử dụng đa số nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Có lạc quan nhất cũng khó hy vọng tình hình này được thay đổi đáng kể trong 5 hay 10 năm nữa, nếu không có những nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp. Rõ ràng, hàng hóa xuất khẩu của nước ta đang có một hành trang quá mong manh trước TPP.

Trong khi doanh nghiệp luôn chỉ kêu thiếu vốn lại rất thờ ơ với tương lai phát triển của chính mình. Đã một năm qua đi, kể từ khi quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc phải tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong các đàm phán thương mại quốc tế, con số điều tra của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho thấy có tới 64% số hiệp hội chưa từng phản hồi hay có góp ý cụ thể khi được tham vấn. Con số này đến nay vẫn chưa được cải thiện là mấy. Không có phản hồi tham vấn từ cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các cam kết hội nhập, về thực trạng và chiến lược phát triển, các nhà đàm phán căn cứ vào đâu để thương lượng lộ trình mở cửa và hội nhập trong các Hiệp định tự do hóa thương mại?!

Chiếc bánh của tự do hóa thương mại trên thực tế không “ngọt ngào” như tưởng tượng và cơ hội hội nhập mãi là cơ hội nếu không nắm bắt được, trong khi thách thức ngày càng cao. Ngay với tác động lớn như TPP mà cộng đồng doanh nghiệp nước ta còn chưa nhận thức rõ thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ còn “mù mờ” hơn nữa về những chính sách thương mại quốc tế khác đang được đàm phán, như Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Karzakstan hay với Hàn Quốc.

Kỳ vọng vào kỳ tích tăng mạnh xuất khẩu do hội nhập sâu và rộng đem đến sẽ không thể trở thành hiện thực nếu doanh nghiệp còn tiếp tục “mơ hồ” và không chuẩn bị hành trang đầy đủ để nắm bắt được cơ hội mở rộng thị trường, cũng như giảm thiểu những thách thức cạnh tranh cho hàng hóa của mình trên thị trường quốc tế./

Theo Trung Hiếu

VOV

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *