Quốc tế 19/11/2013 15:00

5 điểm cốt lõi trong kế hoạch cải cách mới của Trung Quốc

FICA - Kế hoạch cải cách được công bố sau Hội nghị Trung ương với 60 điểm cải cách được xem là bước mở đường cho nền kinh tế số hai thế giới chuyển sang định hướng thị trường.



Thứ 6 tuần trước, Trung Quốc đã công bố chi tiết những cải cách kinh tế dài hạn được các lãnh đạo hàng đầu nước này thông qua trong Hội nghị Trung ương (TW) 3 vừa diễn ra.


Kế hoạch cải cách 60 điểm được xem là bước mở đường cho những thay đổi sâu rộng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh nước này đang nỗ lực chuyển từ tăng trưởng dựa vào đầu tư sang nền kinh tế định hướng tiêu dùng.


Dưới đây là những điểm chính trong kế hoạch cải cách của Trung Quốc:


1. Nới lỏng chính sách 1 con


Chính sách một con gây tranh cãi được công bố năm 1979 đã góp phần giảm tỷ lệ sinh nở tại Trung Quốc. Bây giờ chinh sách được nới lỏng, cho phép các cặp vợ chồng có 2 con nếu một trong hai bố mẹ là con một.


Cổ phiếu của các sản phẩm liên quan tới việc gia tăng dân số như cổ phiếu các hãng sửa đã tăng vọt lại Hồng Kông hôm qua sau khi chính sách một con được nới lỏng.


CEO của The Motley Fool Singapore David Kuo chia sẻ với CNBC: "Lý do họ (các lãnh đạo Trung Quốc) phải thay đổi chính sách một con là vì Trung Quốc đang bị già hóa dân số và mọi người đều biết rằng một dân số già thì cần phải được hỗ trợ".


2. Cải cách hệ thống phúc lợi


Trung Quốc cho biết sẽ nới lỏng hệ thống đăng ký hộ khẩu của mình. Theo hệ thống này, những người dân di cư từ bỏ các dịch vụ công mà họ được hưởng khi họ chuyển tới các khu vực thành thị. Các chuyên gia phân tích cho rằng thay đổi hệ thống này là bước quan trọng hướng tới tự do hóa thị trường lao động, cho phép tự do dịch chuyển lao động và khuyến khích đô thị hóa.


"Sự thay đổi chính sách đô thị hóa cùng với việc nới lỏng chính sách hộ tịch, theo một số nhà quan sát Trung Quốc, là cải cách lớn nhất kể từ năm 1958", Evan Lucas - chiến lược gia thị trường tại hãng thương mại IG viết. "Các thành phố lớn nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến sẽ vẫn có những quy định nghiêm ngặt về việc áp dụng, tuy nhiên những thay đổi sẽ đồng nghĩa với việc có một lực lượng lao động di động hơn và số công nhân tăng lên tại các nhà máy phải đối mặt với nhu cầu việc làm cần thiết.

3. Trao quyền nhiều hơn cho người nông dân


Theo Tân Hoa Xã, người nông dân sẽ được cấp quyền "sở hữu, sử dụng, hưởng lợi từ và chuyển nhượng đất đã ký kết của họ, cũng như quyền được sử dụng quyền sở hữu đất đai của họ làm tài sản thế chấp hay bảo lãnh".


Tại thời điểm này, tất cả đất đai tại Trung Quốc thuộc sở hữu của chính phủ và người nông dân chỉ được phép làm việc trên đất tại khu vực của họ. Các chuyên gia phân tích cho rằng đây là thay đổi quan trọng để khuyến khích đô thị hóa và chuyển đổi kinh tế Trung Quốc sang định hướng tiêu dùng vì cho phép người nông dân thấy được giá trị tiền mặt của đất đai của họ, đầu tư vào những vùng đất mới và chuyển tới thành phố. Thay đổi này cũng tác động tới thị trường nhà ở, Uwe Parpart - giám đốc điều hành, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Reorient Financial Markets nhận định.


"Nếu bạn trao quyền cho người nông dân được bán đất của họ một cách thực sự thay vì để nó bị chiếm dụng bởi chính quyền địa phương, tình huống xảy ra là bạn nhận được đúng loại nhà cần xây dựng chứ không phải loại nhà mà chả ai cần. Cải cách ruộng đất sẽ là một phần của một nỗ lực rất lớn để hướng tới một thị trường địa ốc đúng tại Trung Quốc".


4. Đẩy mạnh cải cách tài chính


Bao gồm việc thiết lập một hệ thống bảo hiểm tiền gửi vào đầu năm 2014, cho phép các nhà đầu tư tư nhân đạt chuẩn được ưu tiên thành lập ngân hàng, nới lỏng kiểm soát giá nước, điện và tài nguyên thiên nhiên, cải tạo hệ thống phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).


Các chuyên gia phân tích cho rằng chương trình bảo hiểm sẽ bảo vệ những người gửi tiền khi Trung Quốc lo ngại rằng một số ngân hàng nhỏ hơn có nguy cơ rủi ro khi cạnh tranh tiền gửi trong cơ chế mở hơn. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã loại bỏ kiểm soát tỷ lệ cho vay đầu năm nay.


"Họ đang chuyển dịch dần về hướng thị trường và đặt trọng tâm vào thị trường nhiều hơn. Điều này có nghĩa rằng khu vực phi nhà nước sẽ đóng một vai trò lớn hơn," Chi Lo - chiến lược gia cao cấp khu vực Trung Quốc của BNP Paribas Investment Partners nói.


5. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)


Các DNNN sẽ được yêu cầu trả cổ tức lớn hơn cho chính phủ, với 30% thu nhập từ "vốn nhà nước" hoản trả lại cho nhà nước và sử dụng cho an sinh xã hội vào năm 2020. Các công ty tư nhân, trong khi đó, sẽ được khuyến khích đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.


Theo báo cáo của hãng tin AFP, 113 DNNN lớn của Trung Quốc chịu sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ thường phải nộp 5 tới 20% lợi nhuận của họ cho chính phủ. 


Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cải cách DNNN là một lĩnh vực mà quá trình cải cách có thể chậm.


"Vốn cổ phần tư nhân sẽ được cho phép đầu tư vào DNNN tuy nhiên các thông cáo từ thứ 4 tuần trước (sau khi kết thúc hội nghị TW3) rõ ràng chỉ ra ý định của chính phủ mới là doanh nghiệp nhà nước sẽ luôn là cốt lõi của các chính sách xã hội của Trung Quốc và vốn tư nhân sẽ vẫn bị hạn chế", Lucas phát biểu.


Lam Thanh
Theo CNBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *