Bất động sản 12/12/2014 13:55

Vốn tư nhân cho giao thông vẫn “tắc”

FICA - Lượng vốn tư nhân đổ vào ngành giao thông chủ yếu đến từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước, với vốn ít, năng lực hạn chế. Các cơ chế ưu đãi về hợp tác công tư (PPP), hợp tác xây dựng, kinh doanh chuyển giao BOT, BT chưa tạo đột phá thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Đặc biệt, đa số vốn tư nhân vẫn “rải” chủ yếu vào đường bộ, các dự án cảng thủy nội địa, cảng hàng không, đường sắt không đón nhận được sự quan tâm vì tỷ suất lợi nhuận kém và doanh nghiệp tư nhân không cạnh tranh được với doanh nghiệp Nhà nước... Đây là thực tế được các đại biểu nêu ra về thực trạng thu hút vốn đầu tư cho ngành giao thông đươc chỉ ra tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” sáng nay tại Hà Nội.

 

 

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến nay, ngành này đã thu hút được gần 160 nghìn tỷ đồng, triển khai 65 dự án, công trình từ tư nhân. Năm 2013, toàn ngành đã huy động được gần 69.000 tỷ đồng, cho 24 dự án. 10 tháng đầu năm 2014, con số huy động vốn tư nhân vào lĩnh vực GTVT đạt 42.572 tỷ đồng. Bộ GTVT dự báo, từ năm 2015, vốn tư nhân vào lĩnh vực sẽ tăng do nhiều chính sách về PPP đang được nghiên cứu và dự kiến thông qua, con số ước tính năm 2015 có thể đật 45.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 – 2020 sẽ có tới 235 nghìn tỷ đồng từ doanh nghiệp tư nhân cho các dự án.

 

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (PPP) Bộ GTVT cho biết: vốn ngoài ngân sách vào lĩnh vực GTVT chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra và chưa thấm tháp gì so với tổng lượng vốn đầu tư. Vốn ngân sách vẫn là chủ yếu. 

 

Ông Huy cũng chỉ ra những điểm “nghẽn” trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào ngành GTVT đó là: “vốn xã hội hóa tham gia đầu tư chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ, các lĩnh vực khác chưa có hoặc hạn chế trừ việc doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa. các nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, vay vốn chủ yếu trong nước nên có chỉ số tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, họ cũng ít có kinh nghiệm đầu tư, quản lý, khai thác và chưa am hiểu về đầu tư PPP, chưa đánh giá được rủi ro nên triển khai còn vướng mắc

 

Theo ông ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn về huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Chính phủ đã dành những nguồn lực nhất định song mới chỉ đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu nhất. “Để hướng tới mục tiêu CNH - HĐH vào năm 2020, nhiều chính sách huy động nguồn lực đã được nghiên cứu, áp dụng. Trong đó, cơ chế hợp tác công tư (PPP) đang là một chính sách thú vị, thu hút sự quan tâm từ cả các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu kinh tế, lẫn các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng cho biết: “Hiện nay, đa số các dự án đầu tư vào ngành GTVT vẫn là từ ngân sách, vốn xã hội hóa đạt tỷ lệ thấp và chủ yếu tập trung ở các dự án  cầu đường bộ trục đường giao thông chính, các dự án cảng thủy, hàng không không thu hút được các nhà đầu tư”.

 

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Các cơ chế ưu đãi đầu tư trong hợp tác BOT, BT đã được áp dụng và đang có nhiều cải tiến, tiếp thu và điều chỉnh cho. Các quy định về thu hút vốn, tham gia dự án, cơ chế đấu thầu, bảo lãnh tín dụng đối với các dự án thuộc hợp tác PPP cũng đang được tiếp thu và chỉnh lý để sao thu hút hiệu quả nhất vốn doanh nghiệp tư nhân. Hy vọng sau khi cơ chế đầu tư dự án hình thức PPP được ban hành, những ưu điểm sẽ phát huy hiệu quả.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước VN), với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã có những kết quả khả quan. Nhiều công trình trọng điểm được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, bước đầu tạo được sự kết nối giữa các vùng miền trong nước và quốc tế.

 

“Theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ đến năm 2020, ước tính nhu cầu vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ bình quân khoảng 202 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Do đó, việc huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông là rất cấp thiết. Việc này cần có sự hỗ trợ tích cực của ngành Ngân hàng, đặc biệt nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng”, bà Hạnh cho biết.

 

Về hiệu quả thu hút đầu tư các dự án GTVT dưới hình thức BOT, PPP, BT, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết, trong số 65 dự án BOT và PPP Bộ GTVT đang triển khai, đã có 18 dự án hoàn thành, đưa vào khai thác. Với 160 nghìn tỷ đồng mà Bộ GTVT huy động là rất ấn tượng bởi nó chiếm khoảng 64% các nguồn vốn đầu tư vào giao thông.

 

Hiện, chính sách đầu tư dự án giao thông dưới dạng xây dựng, kinh doanh và chuyển giao BOT được Chính phủ ban hành từ năm 1997 với Nghị định 77, năm 1998 là Nghị định 62. Các cơ quan chức năng đang trình Chính phủ thông qua Nghị định về PPP trên cơ sở hợp nhất Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *