Bất động sản 15/09/2023 10:26

M&A địa ốc lộ diện thương vụ mới

Trong quý III/2023, thị trường bất động sản ghi nhận thêm hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), trong đó có những thương vụ lên đến hàng trăm triệu USD.

Tiền nhiều săn hàng đẹp

Mới đây, Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group) phát đi thông báo, vừa hoàn tất nhận chuyển nhượng 90% vốn của Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Xuất nhập khẩu Đức Nhi (Công ty Đức Nhi), qua đó chính thức trở thành chủ sở hữu khu đất với tổng diện tích khoảng 7.700 m2, tọa lạc trên mặt tiền đường Lê Sát, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM.

Không tiết lộ giá trị thương vụ, song doanh nghiệp này nhìn nhận, trong giai đoạn hiện nay, khi quỹ đất sạch tại TP.HCM ngày càng khan hiếm, thì việc Saigonres Group sở hữu được khu đất có vị trí đắc địa, nằm trong một quận nội thành với mật độ dân cư đông đúc là điều không dễ dàng.

“Với vị trí rất thuận tiện và hiếm có trong khu vực, khu đất này được đánh giá là một tài sản rất có giá trị để phát triển dự án tại TP.HCM của Tổng công ty trong thời gian tới”, đại diện Saigonres Group chia sẻ.

Không chỉ Saigonres Group, trong quý III, thị trường địa ốc cũng ghi nhận thêm nhiều thương vụ M&A, dù không quá đình đám về giá trị thương vụ, song động thái này tiếp tục cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi của thị trường, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp nội với tiềm lực tài chính tốt.


Theo JLL, thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều giao dịch thành công hơn được công bố. Ngoài ra, với nền tảng thị trường vững chắc, các nhà đầu tư bất động sản có thể tìm thấy những lựa chọn khả thi cho kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Đầu tháng 9, Công ty cổ phần Địa ốc First Real hoàn tất nhận chuyển nhượng thỏa thuận gần 10 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Bạch Đằng Complex) với giá trị giao dịch 200 tỷ đồng, qua đó chính thức trở thành cổ đông lớn của Bạch Đằng Complex với tỷ lệ sở hữu 22%.

Bạch Đằng Complex đang sở hữu Dự án Khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng, có vị trí đắc địa tại 50 - Bạch Đằng (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Khu phức hợp này nằm trên mảnh đất có diện tích 6.879 m2, được xây dựng 1 tòa khách sạn 29 tầng (Hilton Da Nang) và 1 tòa tháp cao 25 tầng gồm căn hộ, văn phòng cho thuê và khu thương mại.

Ở chiều ngược lại, hồi cuối tháng 8, HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát thông qua quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đang nắm tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.

Theo đó, doanh nghiệp này sẽ bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đang nắm giữ tại HP Hospitality Nha Trang là hơn 176 tỷ đồng, tương ứng 78% vốn điều lệ.

“Cờ” trong tay khối ngoại

Trong báo cáo mới đây về cơ hội trên thị trường M&A lĩnh vực bất động sản, Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) cho biết, thời gian gần đây, thị trường chứng kiến hoạt động M&A sôi động với nhiều thương vụ lớn, cùng sự nổi lên của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn, cuối tháng 7/2023, Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) thông qua công ty con Gamuda Land ký thoả thuận mua lại toàn bộ cổ phần của 3 cá nhân trong Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực với giá trị đạt 305 triệu USD, qua đó trực tiếp sở hữu khu đất dự án rộng 3,68 ha tại TP. Thủ Đức (TP.HCM). Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án hỗn hợp cao tầng, gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng khối đế kinh doanh và 21 căn shophouse.

Trước đó, Keppel Land cũng cho biết, đã thông qua công ty con VN Prime Vietnam (VNPV) mua lại 65% cổ phần tại một doanh nghiệp sở hữu bất động sản bán lẻ tại Hà Nội. 35% vốn còn lại sẽ do chủ đầu tư dự án Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư phát triển Bình Minh nắm giữ. Dự án này nằm trong một tổ hợp bất động sản đang xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2025. VNPV sẽ chi khoảng 1.230 tỷ đồng vào thương vụ này.

Hồi cuối tháng 5, nhóm Keppel công bố mua lại 49% vốn của hai dự án tại TP. Thủ Đức là Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha), thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Tư vấn EY Việt Nam cho biết, tổng giá trị thương vụ M&A trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, 92% bên mua là nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc. Ngoài ra, EY Việt Nam cũng ghi nhận trên 10 thương vụ đang trong quá trình đàm phán với giá trị lên đến hàng tỷ USD.

Tương tự, JLL Việt Nam cũng đánh giá, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, hầu hết tài sản chất lượng cao nằm trong tay các chủ đầu tư Việt Nam nhờ năng lực phát triển đất đai, thực hiện dự án và bán hàng tốt. Nhưng với sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường hiện tại, các chủ đầu tư trong nước buộc phải cơ cấu lại sản phẩm và danh mục đầu tư của mình, do đó, cởi mở hơn với các cơ hội hợp tác cùng nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, giá giao dịch không giảm mạnh như kỳ vọng, bất chấp lãi suất tăng và khả năng tiếp cận nguồn vốn bị thắt chặt. Mặc dù mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì nhờ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường, nhưng sự thiếu linh hoạt trong đàm phán giá đã khiến tốc độ giao dịch của thị trường chậm lại trong thời gian gần đây.

Theo Trọng Tín

Báo Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *