Chính sách 03/07/2014 11:00

Thủ tướng chấp thuận mở rộng đối tượng vay gói 30.000 tỷ

Những đề xuất về việc mở rộng đối tượng được vay gói 30.000 tỷ của Bộ Xây dựng đã được Thủ tướng chấp thuận, dù cho vẫn có những ý kiến khác nhau.

Thủ tướng chấp thuận mở rộng đối tượng vay gói 30.000 tỷ

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ hôm 1/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước dù có nhiều ưu đãi song lãi suất còn cao. Thực tế đây là ngân hàng chứ không phải vốn ngân sách hỗ trợ, hơn nữa lại là tái cấp vốn nên lãi suất cao, thời gian vay còn thấp, vượt quá khả năng chi trả của các hộ nghèo. 

Bên cạnh đó, việc khoanh vùng khá chặt chẽ đối tượng vay từ gói 30.000 tỷ cũng khiến cho tốc độ giải ngân gói tín dụng này có phần hạn chế.

Bộ Xây dựng đã đề nghị, cần bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị có khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ khi  mua nhà thương mại có giá trị phù hợp với Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Bởi lẽ, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Nghị quyết 02 quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân thuê, thuê mua nhà thương mại diện tích dưới 70m2 gia dưới 15 triệu đồng thì được vay gói 30.000 tỷ.

Tuy nhiên sản phẩm căn hộ chung cư thì thường phổ biến ở các đô thị lớn, còn đô thị vừa và nhỏ thì nguồn cung và nhu cầu phổ biến vẫn là nhà ở riêng lẻ thấp tầng, do đó đại đa số người dân tại các đô thị vừa và nhỏ không có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi. 

Mặt khác sản phẩm căn hộ thương mại có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thường chỉ có ở dự án xa trung tâm, vị trí không thuận lợi, hệ thống ha tầng chưa đáp ứng nhu cầu do đó khách hàng mua loại căn hộ này được vay vốn hỗ trợ thời gian qua thực tế còn hạn chế. 

Chính vì vậy, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02 để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ nhà ở cho những hộ khó khăn về nhà ở, trong đó kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm. 

Bên cạnh đó cũng cần bổ sung đối tượng vay là hộ gia đình, cá nhân, tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua và để bán cho các đối tượng  là công nhân, người lao động tại  các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 188.  

Bộ cũng kiến nghị các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân, cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động đô thị có khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, đã có đất ở phù hợp với quy hoạch thì cũng được vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ để xây dựng nhà ở.

Người đứng đầu Bô Xây dựng cho hay, những đề xuất này đều nhận được sự ủng hộ từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. 

Cũng theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, kết luận phiên họp tháng 6 nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng, chỉ đạo đưa vào nghị quyết để thực hiện.

“Sau khi Chính phủ chấp thuận bổ sung các đối tượng nêu trên, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể điều kiện và mức vay đối với trường hợp mua nhà thương mại có giá trị phù hợp với Nghị quyết 02 mà khách hàng cần đáp ứng để được vay từ gói 30.000 tỷ”, Bộ trưởng Dũng nói.

Cùng với đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội được tiếp cận với các thủ tục đất đai, các điều kiện để có thể triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội.

Đồng thời phải tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội được có những điều kiện về hướng dẫn về thủ tục, về quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế cũng như hỗ trợ vay vốn…

Trước đó, trong phiên họp tháng 6 của Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã không đồng tình với 2 trong 4 nội dung đề xuất của Bộ Xây dựng về mở rộng đối tượng được vay từ gói 30.000 tỷ, bởi theo Phó thủ tướng mục tiêu của gói tín dụng này là hỗ trợ đúng đối tượng khó khăn về nhà ở chứ không phải là "làm sao để tiêu nhanh những đồng tiền này".

Theo Từ Nguyên

VnEconomy

Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *