Quảng cáo xe "hoàn toàn có khả năng tự lái", Tesla bị "tuýt còi" tại Đức

Dân trí Đức đã cấm Tesla không được lặp lại cái mà toà án gọi là quảng cáo gây hiểu nhầm, liên quan đến khả năng của các hệ thống hỗ trợ lái và tính năng tự lái.

Quảng cáo xe hoàn toàn có khả năng tự lái, Tesla bị tuýt còi tại Đức - 1

Vụ việc được đưa ra bởi Wettbewerbszentrale, một tổ chức chuyên giám sát các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh của Đức. 

Toà án Munich đã đồng ý với đánh giá của Wettbewerbszentrale và cấm Tesla Đức dùng cụm từ "hoàn toàn có khả năng tự lái" và "bao gồm cả Autopilot" trong các ấn phẩm quảng cáo của công ty tại Đức. Nếu không đồng ý, Tesla có thể kháng cáo. 

Theo toà án, quảng cáo của Tesla có thể gây hiểu nhầm; một người mua xe bình thường dễ hiểu rằng chiếc xe có thể hoàn toàn tự lái mà không cần sự can thiệp của tài xế, và rằng hệ thống lái tự động như vậy đã được phép sử dụng trên đường phố Đức (hợp pháp).

Hệ thống Autopilot của Tesla đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều cơ quan quản lý; trong đó có Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), cho rằng nó không đủ an toàn.

Ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng các hệ thống hỗ trợ lái có thể khiến tài xế chủ quan, lơ là trong việc kiểm soát xe.

Tesla cho biết, hãng đã nói rõ với khách hàng rằng công nghệ hỗ trợ lái tự động của hãng không phải là hệ thống tự lái hoàn toàn.

Người phát ngôn của Tesla Đức hiện chưa có bình luận gì về phán quyết hôm 14/7 vừa qua của toà án Munich.

CEO Elon Musk của Tesla trước đó vừa cho biết hãng đã tiến sát mục tiêu trang bị cho xe khả năng tự lái mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của tài xế, còn gọi là tự lái cấp độ 5, cũng là cấp độ cao nhất.

Quảng cáo xe hoàn toàn có khả năng tự lái, Tesla bị tuýt còi tại Đức - 2

Cách đây 4 năm, Tesla cũng từng bị Cơ quan quản lý giao thông Đức (KBA) yêu cầu dừng việc quảng cáo xe của hãng có tính năng lái tự động Autopilot, vì có thể khiến người dùng hiểu nhầm là không cần tập trung nhìn đường và kiểm soát xe, trong khi đây chỉ là tính năng hỗ trợ tài xế.

Khi đó, một người phát ngôn của Tesla phản bác lại rằng "Autopilot" là thuật ngữ đã được dùng trong ngành hàng không từ nhiều thập kỷ nay, mô tả hệ thống hoạt động phối hợp với con người. Công ty cũng luôn giải thích rõ với khách hàng rằng dù có hệ thống hỗ trợ này, vẫn cần người lái phải luôn chú ý kiểm soát tình huống.

"Giống như trên một chiếc máy bay, khi được sử dụng đúng cách, tính năng Autopilot sẽ giúp việc lái xe nhàn hơn và tăng thêm độ an toàn so với việc lái xe như thông thường," người phát ngôn của Tesla khi đó cho biết.

Đã có không ít trường hợp tai nạn xảy ra được cho là do tài xế quá tin tưởng vào hệ thống Autopilot và cũng đã xuất hiện một số clip ghi lại cảnh các tài xế hoàn toàn không chú ý quan sát đường hay kiểm soát xe, mà phó mặc cho hệ thống này vận hành xe.

Nhật Minh

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *