Cửa hàng ô tô cũ giảm giá chờ phá sản, vắng khách triền miên

Thực hiện lệnh giãn cách xã hội kéo dài tới 15 ngày, nhiều showroom ô tô cũ ở Hà Nội phải đóng cửa, nhiều mẫu xe giảm giá kịch sàn nhưng rất khó kiếm khách mua.

Giá ô tô cũ giảm mạnh trong giãn cách xã hội

Mấy hôm nay, anh Nguyễn Anh Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) miệt mài đăng bán trên trang facebook cá nhân của mình những chiếc xe còn tồn của bản thân và đối tác. Theo anh Tú, so với tháng trước đó, giá rao bán lần này đã hạ gần như... kịch sàn.

Mercedes-Benz GLA200 sản xuất 2015 đã chạy hơn 70.000 km được anh Tú rao bán 815 triệu đồng, giảm mạnh so với giá từ 850 đến 890 triệu đồng chỉ cách đây hơn tuần. Nếu khách có nhu cầu trả góp, người bán sẵn sàng lo thủ tục với số tiền chi trả đầu tiên chỉ 250 triệu đồng, trả góp trong 5 năm.

Cửa hàng ô tô cũ giảm giá chờ phá sản, vắng khách triền miên - 1

Chiếc Mercedes-Benz GLA 200 sản xuất 2015 được anh Tú rao bán 815 triệu đồng.

Mercedes-Benz hay BMW vốn là thương hiệu kén khách nên việc xuống giá theo thị trường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có những dòng xe vốn "dễ trôi" nhưng cũng chịu chung cảnh mất giá nhanh ngay sau chỉ thị giãn cách xã hội.

"Chiếc Mazda3 đời 2016, đăng ký năm 2017 mới chạy hơn 30.000 km, trước hôm giãn cách xã hội giá còn rao khoảng 500 triệu đồng, giờ tụt xuống 470 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay giá xe cũ liên tục xuống, nhưng lần này xuống mạnh nhất," anh Tú chia sẻ.

Cũng giống anh Tú, anh Nguyễn Tuấn, một người kinh doanh ô tô cũ trên đường Phạm Hùng cho biết đã phải giảm giá xe từ đầu tháng 7, chấp nhận cắt lãi để lấy lại vốn. Anh Tuấn chuyên kinh doanh dòng ô tô cỡ nhỏ, giá trị xe thường dưới 500 triệu đồng nhưng để có lãi xoay vòng, anh thường xuyên phải nhập xe từ dân với số lượng duy trì gần chục chiếc. 

"Giờ ôm đống xe không bán được chỉ có "cắn" dần vào vốn, rồi còn lãi vay ngân hàng. Như chiếc Kia Morning Van đời 2016 cách đây mấy tháng tôi còn bán được với giá 320 triệu đồng giờ hạ xuống 265 triệu đồng, Morning Si 2017 trước bán 335 triệu đồng giờ giảm còn 310 triệu đồng", anh Tuấn lấy ví dụ.

Cửa hàng ô tô cũ giảm giá chờ phá sản, vắng khách triền miên - 2

Kia Morning Van đời cũ hiện giảm giá khá mạnh.

Không chỉ giá xe ở những người kinh doanh nhỏ lẻ mà cả những showroom có mặt bằng lớn cũng đang phải giảm giá trong những ngày cuối tháng 7 này.

Ông Lê Xuân Bách, quản lý showroom ô tô cũ Việt Nhật trên đường Trần Thái Tông cho biết dù cửa hàng không bán các dòng xe cỡ nhỏ, chỉ từ cỡ C trở lên nhưng do nghỉ chống dịch nên giá xe phải giảm, còn nhân viên tích cực tương tác mạng xã hội để kiếm khách.

Ông Bách cho biết: "Nhiều dòng xe bán chạy bây giờ phải giảm giá mạnh, như Toyota Camry 2.0E đời 2018 trước khi Hà Nội giãn cách đang bán 835 triệu đồng, giảm còn 780 triệu đồng, Ford Ranger XLS 2.2L MT đời 2017 giảm từ 545 triệu đồng xuống 500 triệu đồng. Dòng Toyota Fortuner dễ tiêu thụ nhưng giờ cũng phải giảm giá từ 30 đến 40 triệu đồng hay dòng xe cao cấp như Ford Explorer giảm 50 triệu đồng."

Cũng trong hoàn cảnh phải tạm đóng cửa, các showroom xe cũ cao cấp liên tục duy trì mức giảm giá để ưu đãi người mua dù đặc thù mặt hàng khá khác biệt.

Anh Phạm Vĩ, quản lý marketing tại H3T Auto (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ hiện các dòng xe chủ lực Mercedes-Benz, BMW đều có chính sách giảm giá ở mức chấp nhận...lãi mỏng. "Đa số xe bán đều là loại cao cấp, giá nhập vào trước dịch bệnh khá cao nên không thể giảm sâu như các dòng xe phổ thông trên thị trường. Nhưng giá hiện tại đang là rất tốt rồi," anh Vĩ nói. 

Cửa hàng thoi thóp chờ phá sản

Theo anh Nguyễn Anh Tú, đợt giãn cách xã hội lần này tại Hà Nội khiến những người bán xe cũ cá nhân như anh đã khó càng thêm khó. Trong khi đó, các đợt giảm giá mạnh của các hãng xe ô tô, nhất là Vinfast khiến giá xe cũ phổ thông rất lao đao.

"Giá thời điểm này đang xuống đáy. Người bán xe cũ đang chịu 3 yếu tố gồm: các hãng xe liên tục tung gói kích cầu trong tháng 6 và 7 âm lịch, VinFast tung chính sách giảm giá sốc theo vùng. Kể cả có khách đồng ý mua xe trong tháng này nhưng giãn cách xã hội khiến hoạt động giao dịch khó tiến hành, nhất là thủ tục sang tên, đổi chủ hay ký giấy ngân hàng", anh Tú nói.

Anh Tú bắt đầu nghiệp kinh doanh ô tô cũ được khoảng 3 năm, thì đã có 2 năm phải "nằm nhà" dài hơi vì dịch bệnh, ngay cả nghề cũ là cà số khung cũng khó hoạt động trở lại vì giãn cách xã hội.

Cửa hàng ô tô cũ giảm giá chờ phá sản, vắng khách triền miên - 3

Hầu hết các đại lý, showroom ô tô ở Hà Nội đều đang trong tình trạng "cửa đóng then cài" do giãn cách xã hội (Ảnh: Hoàng Hiệp).

Cũng giống anh Tú, người kinh doanh nhỏ lẻ như anh Tuấn cho biết sức ép giảm giá từ xe mới đã khiến người bán xe cũ khó chạm vào khách hơn, thì dịch bệnh làm họ gần như gục hẳn.

"Lượng mua vài tháng trở lại đây rất ít. Sau giãn cách xã hội, người dân không thể tiếp xúc trực tiếp xem xe. Mà xe cũ mua bán online khó có thể chiếm trọn niềm tin của khách được. Tôi giờ rao bán xe mà như chờ trúng xổ số, chả biết lúc nào có khách", anh Tuấn than thở.

Với những showroom lớn như H3T Auto hay Việt Nhật Auto đều cho biết hiện chưa có kế hoạch cho thị trường nửa cuối năm vì còn phải nghe ngóng tình hình dập dịch Covid-19. Do đó, mục tiêu trước mắt là giải quyết số xe tồn kho, và chỉ nhập xe mới về bán khi có sẵn khách hàng, tiết kiệm tối đa chi phí. Thậm chí nhiều cửa hàng phải trả trước mặt bằng, gửi xe tứ tán nhờ bán hồi vốn vì tiếp tục duy trì chỉ có chờ... phá sản.

Trong khi đó, đây cũng là thời điểm khó khăn ngay cả với các khách hàng có nhu cầu mua xe.

Anh Nguyễn Trọng Tuệ (Đông Anh, Hà Nội) cho biết theo kế hoạch gia đình anh đã chuẩn bị mua một chiếc ô tô 7 chỗ dịp Hè này. Tuy nhiên, hiện ý định này chưa thể thực hiện. Ngoài lý do giãn cách xã hội không đi xem xe được thì nguyên nhân lớn là căn chung cư ở phía Tây Hà Nội anh chưa tìm được người bán, ảnh hưởng tới tài chính mua xe.

"Giai đoạn này mua xe tôi thấy rất có lợi về giá, cả xe mới lẫn cũ, nhưng người dân trông chờ vào tiền bán nhà như tôi thì lực bất tòng tâm vì thị trường nhà đất đang đi xuống".

Không quá khó khăn về tài chính như anh Tuệ, nhưng chị Tuyết Nhung (Láng Hạ, Hà Nội) cho rằng thời điểm hiện nay tốt nhất là găm tiền phòng thân hơn là tiêu sản.

"Tôi thấy giá xe mới hiện nhiều ưu đãi, xe cũ cũng giảm theo, nhưng tâm lý mua xe là phải đến tận nơi, sờ tận tay mà dịch bệnh đang diễn biến khó lường thế này, tốt nhất là đề phòng, ở nhà vẫn hơn. Mua xe có thể chờ được, nhưng sự an toàn cho bản thân và gia đình thì không thể bất cẩn", chị Nhung cho biết.

Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn khó khăn nhất của toàn thị trường ô tô, do việc giãn cách xã hội đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành, cộng với tháng 7 âm (tháng có xu hướng bán xe chậm nhất năm) đang đến rất gần. Vì vậy, sẽ không tránh khỏi nhiều doanh nghiệp bán xe nhỏ vốn "chết lâm sàng" hoặc "thoi thóp", nhưng cũng là cơ hội để người dân có nhu cầu mua ô tô tìm được xe hợp túi tiền.

Theo VietNamNet

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *