Câu chuyện tắc đường và "bài toán" thu phí ô tô 5 năm chưa thành hiện thực

Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm xe cá nhân, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vẫn phức tạp. Đề án thu phí ô tô thì đang bị coi là chưa phù hợp.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội hoàn thiện, báo cáo kết quả thực hiện tới cấp có thẩm quyền. Ngay lập tức, điều này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội cùng nhiều ý kiến trái chiều.

Câu chuyện tắc đường và bài toán thu phí ô tô 5 năm chưa thành hiện thực - 1

Mới đây, UBND TP có ý kiến cho rằng, việc xem xét phê duyệt đề án này vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện (Ảnh minh họa).

Thu phí ô tô vào nội đô: Cần thiết nhưng chưa cấp bách?

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), đề án này được đưa từ nhiều năm trước và ở thời điểm đó cũng đã vấp phải sự phản bác rất lớn của dư luận xã hội.

Ở thời điểm hiện tại, ông Thanh cho rằng, dù tính cấp bách của đề án "chưa cao" nhưng rất cần thiết để giảm nguy nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong khu vực nguy cơ.

"Thu phí ô tô vào nội đô cũng là một giải pháp cần thiết nhưng không phải giải pháp cấp bách. Thay vào đó, cần phải đầu tư nâng cao hệ thống vận tải hành khách công cộng ở Thủ đô. Phải tổng hợp các giải pháp mà đầu tiên là phát triển, đẩy mạnh giao thông công cộng" - ông Thanh nêu quan điểm.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, việc "đánh vào túi tiền thì không ai thích" nhưng nhóm đối tượng bị thu phí thuộc tầng lớp "khá giả" nên mới đi ô tô cá nhân. Bên cạnh đó, ông cũng phản bác ý kiến cho rằng, đề án thu phí ô tô cá nhân vào nội đô sẽ kéo lùi sự phát triển của ngành ô tô.

Bởi lẽ, theo nội dung đề án, Hà Nội không cấm ô tô cá nhân trên địa bàn toàn thành phố mà thu phí - một giải pháp mang tính "cưỡng bức" đối với ô tô cá nhân khi có nhu cầu di chuyển vào các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Điều này có nghĩa là, người dân được phép di chuyển "có điều kiện" trong khu vực có nguy cơ ùn tắc.

Bên cạnh đó, khoản phí mà người dân bỏ ra sẽ được điều chỉnh linh hoạt, có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm và đề xuất không thu phí vào các ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ.

"Muốn thay đổi giao thông đô thị của Hà Nội thì phải chấp nhận "hi sinh". Bây giờ cứ chần chừ thì rất nguy. Vấn đề này nhạy cảm, lại được đưa ra ở thời điểm nhạy cảm khi kinh tế kiệt quệ vì Covid-19 nhưng tôi nghĩ không nên chần chừ, phải làm quyết liệt" - ông Thanh bày tỏ.

Sau khi xem xét báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, UBND TP có ý kiến cho rằng, việc xem xét phê duyệt đề án này vào thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện. Vì vậy, Hà Nội giao Sở GTVT nghiên cứu, làm rõ thêm nhiều nội dung rồi báo cáo, đề xuất thành phố vào thời gian phù hợp, đảm bảo các điều kiện, thủ tục theo quy trình, quy định.

4 kỳ vọng Sở GTVT Hà Nội đặt ra khi muốn thu phí ô tô

Trả lời báo chí ở thời điểm đề án thu phí ô tô vào nội đô chưa bị UBND TP Hà Nội yêu cầu "tạm hoãn", Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, khi đề án được triển khai trong thực tiễn sẽ đạt được 4 lợi ích.

Câu chuyện tắc đường và bài toán thu phí ô tô 5 năm chưa thành hiện thực - 2

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nêu những "được và mất" của đề án (Ảnh: Nguyễn Trường).

Cụ thể, lợi ích thứ nhất là giảm 20% lượng xe ô tô cá nhân vào vùng thu phí trong nội thành Hà Nội. Bởi vì tâm lý của người Việt Nam khi phải trả phí sẽ sẵn sàng đi đường vòng, tuyến đường tránh các trạm thu phí. Đây là mục tiêu chính của đề án.

Lợi ích thứ 2 là sẽ giúp tăng thu ngân sách dù đây không phải là mục tiêu mà đề án hướng đến. Nguồn thu ngân sách này là sự chênh lệch của mức thu phí hợp lý (đủ tác động điều chỉnh hành vi người dân, đang dự kiến là 100.000 đồng) với mức phí thấp nhất (mức phí để bù đắp chi phí đầu tư, đang dự kiến khoảng 50.000 đồng).

Nếu tăng thu ngân sách thì sẽ dùng kinh phí này tiếp tục đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh vận tải hành khách công cộng để góp phần nâng cao chất lượng đi lại của người dân.

Tuy nhiên, mức khung 50.000 - 100.000 đồng trong đề án hiện được đưa ra theo khái toán, chỉ là căn cứ để sau này xây dựng dự án đầu tư. Riêng mức thu cụ thể sẽ căn cứ vào thực tiễn khi đầu tư dự án và phương án tài chính sau khi đề án này được thông qua.

Lợi ích thứ 3 mà đề án đem lại là khi giảm được 20% xe ô tô đi vào khu vực thu phí sẽ góp phần giảm 20% lượng khí phát thải của các phương tiện, góp phần giảm ô nhiễm không khí.

Lợi ích thứ 4 là sau khi bị tác động bởi việc thu phí, người sử dụng ô tô cá nhân có thể không tiếp tục dùng ô tô cá nhân đi vào vùng thu phí mà sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải hành khách công cộng.

Trong đó, mức thu phí sẽ dựa trên 3 nguyên tắc. Một là, mức thu này không nhằm mục đích thu ngân sách mà mục tiêu chính là biện pháp tài chính tác động đến hành vi người tham gia giao thông, góp phần giảm số lượng xe vào vùng có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm. Vì vậy, mức thu phí phải đảm bảo nguyên tắc lấy thu bù chi (chi phí đầu tư trạm thu phí, chi cho phương án bảo trì, vận hành…).

Hai là, mức thu phải có đủ điều kiện tác động hành vi người tham gia giao thông. Nếu thu thấp quá thì không tác động đến tâm lý của người tham gia giao thông.

Ba là, mức thu phí phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo khả năng chi trả của người dân.

Câu chuyện tắc đường và bài toán thu phí ô tô 5 năm chưa thành hiện thực - 3

Tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là nỗi ám ảnh quen thuộc trong các khung giờ cao điểm (Ảnh minh họa).

Giao thông ùn tắc nghiêm trọng nên phải thu phí?

Lý giải về sự cần thiết của đề án này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân do điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng như vận tải hành khách công cộng không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân.

Bên cạnh đó, vào năm 2017, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết 04/2017/NQ-HDND thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030".

Nghị quyết 04/2017/NQ-HDND đã xác định 37 nhóm giải pháp gồm các biện pháp về kinh tế, biện pháp về hành chính nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng và giảm phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Trong 37 nhóm giải pháp này có giải pháp là xây dựng Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông".

Sau 5 năm thực hiện, Hà Nội đã triển khai 28/37 giải pháp góp phần hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, thành phố cần thiết phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp đề xuất thu phí ô tô vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Cũng theo ông Viện, để đề án được thực hiện cần đạt được 3 điều kiện, gồm: sửa đổi luật xử lý vi phạm hành chính để bổ sung quy định về việc thu phí này, từ đó là căn cứ pháp lý để xử lý đối tượng trốn nộp phí; triển khai dán tài khoản thu phí không dừng lên các phương tiện và chủ xe, người dân muốn nộp phí phải có tài khoản; xây dựng trạm thu phí không dừng, có dự án đầu tư và phương án tài chính.

"Sẽ mất khoảng 2 năm để triển khai 3 điều kiện này, từ đó mới có thể thu phí" - ông Viện thông tin thêm.

6 nhóm giải pháp lớn để giảm ùn tắc giao thông đường bộ

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, thành phố đang triển khai 6 nhóm giải pháp lớn để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Gỉai pháp thứ nhất là, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016.

Hai là, khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ mà muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải triển khai tổ chức giao thông hợp lý.

Ba là, phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân chính (là Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND).

Bốn là, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó bao gồm việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hóa, cung cấp thông tin để người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý.

Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giáo dục để xây dựng văn hóa giao thông.

Sáu là, tăng cường xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Câu chuyện tắc đường và bài toán thu phí ô tô 5 năm chưa thành hiện thực - 4

Nội dung đề án thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội do Sở GTVT trình UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, Hà Nội đang yêu cầu Sở nghiên cứu lại tổng thể đề án (Thiết kế: Khương Hiền).

Nguyễn Trường - Thế Kha

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *