Các "ông lớn" xe hơi Mỹ, Nhật, Hàn nhập hàng tỷ USD linh kiện từ Việt Nam

Doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô Việt đã xuất khẩu được hàng tỷ USD vào "đại bản doanh" ngành xe hơi của thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/2, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất được hơn 786 triệu USD linh kiện, phụ tùng ô tô sang các nước, trong khi đó ở chiều nhập khẩu, kim ngạch đạt hơn 513 triệu USD.

Xuất sang Mỹ, Nhật Bản, nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan 

Ứớc tính, trong năm 2020, nhóm doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế tạo thiết bị phụ tùng ô tô xuất khẩu được hơn 5,7 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, nhiều nhất là thị trường Nhật Bản với 2,3 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Mỹ với 1,8 tỷ USD, tiếp đó là Hàn Quốc gần 500 triệu USD, Thái Lan gần 400 triệu USD và Trung Quốc với hơn 370 triệu USD. Indonesia, Malaysia hay Đức chỉ chiếm 100- 200 triệu USD giá trị xuất khẩu linh kiện, phụ tùng xe hơi của Việt Nam.

Các ông lớn xe hơi Mỹ, Nhật, Hàn nhập hàng tỷ USD linh kiện từ Việt Nam - 1

Việt Nam xuất được hàng tỷ USD linh kiện, phụ tùng ô tô vào đại bản doanh ngành xe hơi thế giới là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc (Ảnh minh họa).

Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là thị trường mà Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu linh kiện xe hơi lớn nhất với khoảng 1,1 tỷ USD. Tiếp đến là Nhật Bản, Thái Lan với gần 730 triệu USD mỗi nước, Trung Quốc hơn 640 triệu USD.

Phụ tùng đem xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp FDI

Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu linh kiện xe hơi liên quan đến hệ thống máy móc, khung sườn, cụm động cơ nên giá trị khai báo hải quan cao hơn so với hàng linh kiện xuất khẩu.

Trong khi đó, hàng linh kiện xuất khẩu chủ yếu là khung xe, săm, lốp, ghế, hệ thống điện... Doanh nghiệp xuất khẩu phần lớn là doanh nghiệp FDI, liên doanh hoặc công ty con của các tập đoàn xe hơi, doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô lớn có mặt tại Việt Nam.

Nhóm nhập khẩu linh kiện xe hơi lớn tại Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh lắp ráp các mẫu xe Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam.

Theo chuyên gia từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), năng lực sản xuất các linh kiện ô tô, trong đó có xe khách, xe con của Việt Nam hiện khá hoàn chỉnh song hầu hết tập trung vào nhóm liên doanh, có chuỗi sản xuất tại nước ngoài, sản xuất tại Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ.

Chuyên gia từ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã có những lý giải về vấn đề Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện dù xuất được nhiều sản phẩm tương tự. Theo đó, nhóm doanh nghiệp xuất linh kiện, phụ tùng không nằm trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn hoặc chủ yếu làm gia công. Hơn nữa, các sản phẩm linh kiện xuất khẩu là chủng loại khác, doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước không có nhu cầu mua và sử dụng.

"Do đó, thời gian tới, cần kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu lại với nhau để bổ sung sản phẩm phù hợp", vị chuyên gia nói.

Hiện các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam như Toyota, Honda, Ford, Mercedes hay Trường Hải, Thành Công, VinFast vẫn nhập khẩu số lượng lớn linh kiện, phụ tùng nước ngoài để lắp ráp xe trong nước. Nhiều mẫu xe của các hãng liên doanh, tư nhân mang thương hiệu nước ngoài phải mua 100% linh kiện từ nước ngoài, chỉ lắp ráp chúng tại Việt Nam để hưởng giá trị gia tăng trong nước.

Chính phủ Việt Nam đang có ưu đãi giảm 100% thuế nhập khẩu linh kiện xe hơi đối với các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Đây là hình thức giảm chi phí, từ đó tăng cạnh tranh với xe nhập khẩu, giảm giá xe lắp ráp trong nước.

Về xuất khẩu, hiện Việt Nam ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song song và đa phương với nhiều nước, cơ chế bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các khu chế xuất, khu công nghệ cao (theo điều khoản tránh đánh thuế 2 lần) đã được kích hoạt từ nhiều năm nay.

Chính vì vậy hàng loạt doanh nghiệp làm công nghiệp gia công cho xe hơi nước ngoài và cả trong nước đã mở rộng đầu tư ở Việt Nam sản xuất thiết bị điện, ghế, thép cường lực cao, sơn.... để xuất khẩu. Do xuất khẩu dễ dàng, mang nhiều lợi thế hơn là bắt tay với doanh nghiệp trong nước nên có doanh nghiệp xe hơi trong nước tìm không ra doanh nghiệp nội để cung ứng linh kiện, buộc phải nhập từ nước ngoài.

An Linh

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *