Ba "ông lớn" xe Việt đấu hàng loạt xe ngoại, chia lại miếng bánh thị trường

Vài năm trước, ở Việt Nam không ai nghĩ các doanh nghiệp lắp ráp hoặc trực tiếp do người Việt sản xuất sẽ ở thế ngang hàng với hàng loạt đại gia xe hơi thế giới, nhưng nay, thế cuộc đã khác!

Hiện nay, thị trường xe Việt có 3 doanh nghiệp xe hơi do người Việt làm chủ đứng ra là độc quyền lắp ráp hoặc trực tiếp sản xuất. Thaco và Thành Công là hai doanh nghiệp nhượng quyền lắp ráp Kia, Mazda, Hyundai, Peugeot tại Việt Nam; trong khi đó VinFast đi theo hướng riêng trực tiếp chế tạo và sản xuất hãng xe riêng mang thương hiệu Việt.

Ba ông lớn xe Việt đấu hàng loạt xe ngoại, chia lại miếng bánh thị trường - 1

Các hãng xe đều chọn cho mình những mẫu "chiến lược" để cạnh tranh với các hãng xe khác trên thị trường

Thị phần xe của doanh nghiệp Việt ngày càng mở rộng

Phải nói rằng, trước đây vài năm, cuộc đua về doanh số và sự cạnh tranh để có được thị phần tiêu thụ xe trên thị trường Việt đối với các doanh nghiệp Việt khá khó khăn. Các thương hiệu xe toàn cầu như Toyota, Honda, Ford, Mercedes đã quá quen thuộc và có giá trị thương hiệu. Chính vì vậy, để tạo thương hiệu xe Việt (lắp ráp hoặc sản xuất) có được dấu ấn rồi đi đến thuyết phục khách hàng xuống tiền là chuyện khá gian nan.

Hầu như những năm 2010 đến 2015, thị trường Việt vẫn chủ yếu là miếng bánh thị phần lớn thuộc Toyota, Honda, Mitsubishi hay Ford, tuy nhiên qua mỗi năm, các doanh nghiệp lắp ráp xe Việt ngày càng khẳng định mình.

Kết quả đến năm 2018, doanh số hai doanh nghiệp xe là Thaco và Thành Công đã đạt 125.000 chiếc, trong khi đó, doanh số của các hãng xe liên doanh gồm Toyota, Honda, Ford, Mitsubishi, Suzuki, Isuzu... đạt 141.700 chiếc.

Bước thắng lợi của hai doanh nghiệp làm về xe Việt, cùng với thu nhập người dân Việt Nam tăng lên đã khiến cho thị trường xe Việt trở nên cực kỳ hấp dẫn, miếng bánh hứa hẹn nhiều tỷ USD trong tương lai.

Bước sang năm 2019, sự xuất hiện của hãng xe Việt - VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã khiến cuộc đấu giữa doanh nghiệp xe Việt với các hãng xe 100% nước ngoài, xe liên doanh mang thương hiệu toàn cầu như Toyota, Honda, Ford trở nên gay cấn hơn và bằng chứng là hàng loạt các hãng, doanh nghiệp xe "đấu nhau" từng li, từng tí về mặt doanh số.

Cụ thể, doanh số của ba ông lớn doanh nghiệp xe Việt là VinFast, Thaco và Thành Công năm 2019 ghi nhận đạt 159.000 chiếc, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, Toyota, Honda, Ford và các liên danh khác có doanh số bán ra gần 195.000 chiếc.

Cuộc chơi dù khá căng thẳng song, thị phần xe tiêu thụ dù gần ngang bằng song tỷ lệ xe bán ra của các hãng liên doanh, doanh nghiệp 100% nước ngoài vẫn cao hơn doanh nghiệp Việt.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì họ có thương hiệu quá lâu, kênh bán hàng quen thuộc và đặc biệt là hệ thống đại lý rộng khắp, đảm bảo cho họ thắng lợi trong cuộc đua doanh số.

Ba ông lớn xe Việt đấu hàng loạt xe ngoại, chia lại miếng bánh thị trường - 2

Xe do ông chủ Việt đang đấu với các mẫu xe ngoại ở mọi phân khúc

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8/2020, ba doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trực tiếp xe Việt đã bán được gần 82.000 chiếc, trong khi đó xe đã quốc gia cũng chỉ nhỉnh hơn chút, ở ngưỡng 87.300 chiếc.

Hàng loạt mẫu xe "kỳ phùng, địch thủ"

Việc chỉ có 3 doanh nghiệp xe Việt đã gần "cân bằng" doanh số so với 5-6 hãng xe ngoại liên doanh, lắp ráp hoặc nhập khẩu xe về Việt Nam cho thấy sự trưởng thành của các doanh nghiệp xe hơi Việt Nam. Đồng thời nó chứng minh cho sự tăng trưởng khá ngoạn mục của thị trường xe Việt ở nhiều khía cạnh: đa dạng nguồn xe, mẫu mã và đối tượng.

Xét về yếu tố cạnh tranh giữa các hãng với nhau, hầu hết các doanh nghiệp xe đều tung ra đối thủ để loại bỏ nhau. Nếu như trước kia, Toyota Vios, Honda City là những xe sedan tầm trung không có đối thủ ở Việt Nam, một mình một chợ thì nay nó đã bị cạnh tranh quyết liệt bởi Kia Cerato, Hyundai Accent hay Mazda 2, Mazda 3...

Rồi, Honda CRV trước kia là sự lựa chọn số 1 thì mấy năm trở lại đây Mazda CX5, Hyundai SantaFe cạnh tranh quyết liệt về thị phần.

Ở phân khúc cao cấp hơn của sedan, sự ra đời của LuxA2.0 của VinFast cùng với các mẫu xe lắp ráp bởi doanh nghiệp Việt Mazda 6, Kia Optima đã khiến cuộc đua xe này ở phân khúc cao hơn với Toyota Camry, Honda Accord ngày càng trở lên gay cấn hơn, quyết liệt hơn.

Ở phân khúc xe đa dụng đô thị cỡ nhỏ, hiện Hyundai có Kona, Kia có Seltos cạnh tranh và đấu trực tiếp với Honda HRV, Toyota Corolla Cross.

Ngoài ra, còn rất nhiều mẫu, dòng xe của các hãng xe, doanh nghiệp xe Việt đã, đang và sẽ cạnh tranh quyết liệt với các mẫu xe cùng loại của hãng xe, doanh nghiệp xe liên doanh hoặc xe 100% vốn ngoại. Điều này cho thấy thị trường xe Việt đang cởi mở hơn, sức mạnh của các thương hiệu xe Việt. Doanh nghiệp lắp ráp xe do chủ người Việt ngày càng vững vàng hơn đủ sức cạnh tranh hoặc chơi sòng phẳng với các hãng xe ngoại lâu đời và có nhiều ưu thế tại Việt Nam.

An Linh

Chuyên mục: Xe 360

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *