Tiền và Hàng 01/02/2015 15:48

Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2015 lao dốc

FICA – Áp lực từ thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ và xu hướng sụt giá đồng yên và đồng euro hiện nay đã khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng đầu năm 2015 giảm 27%. Trong năm nay, có thể XK thủy sản sẽ quay về quỹ đạo thông thường của các năm: giảm đầu năm và tăng dần từ giữa năm đến hết quý III, chững lại trong quý IV.

Xuất khẩu thủy sản tháng 1/2015 giảm 27%

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, năm 2014, xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam vẫn tiếp đà tăng trưởng nhờ sản xuất và XK tôm phát triển, cùng với sự hồi phục XK một số mặt hàng hải sản (mực, bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ, surimi).Tổng XK thủy sản cả năm đạt 7,836 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2013.

XK thủy sản tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2014 (14% – 57%), nhưng bắt đầu tăng chậm lại từ tháng 9 và thậm chí giảm gần 5% trong tháng 12. Nguyên nhân chính do áp lực từ thuế chông bán phá giá (CBPG) tôm giai đoạn POR8 và thuế CBPG cá tra POR10 đã ảnh hưởng đến XK tôm, cá tra từ quý IV và sẽ tiếp tục tác động giảm XK hai sản phẩm này trong năm 2015.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho XK thủy sản Việt Nam tháng đầu năm tiếp tục giảm. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 1/2015, tổng giá trị XK thủy sản đạt 206 triệu USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2014. Ước XK thủy sản cả tháng 1/2015 sẽ đạt khoảng 425 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

XK tháng 12/2014 giảm trên 11%, cá tra giảm gần 2%. Riêng XK tôm sang Mỹ giảm 10% và xu hướng này tiếp tục trong tháng 1/2015. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất, 22% XK thủy sản của Việt Nam, đồng thời là thị trường NK tôm lớn nhất, chiếm 27% XK tôm.

Kết quả cuối thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam bán vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8), theo đó các công ty Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước tới nay. Trong đó Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%.

Ngày 8/1/2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá lần thứ 10 (POR10), giai đoạn từ ngày 1/8/2012 đến 31/7/2013, đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh NK từ Việt Nam. Thuế suất áp dụng cho sản phẩm cá tra philê đông lạnh của công ty Agifish và 23 DN bị đơn tự nguyện khác ở mức 0,97 USD/kg, tăng so với kết quả sơ bộ mà DOC đưa ra hồi tháng 7/2014 là 0,58 USD/kg. Kết quả cuối cùng thuế CBPG POR10 cao gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ, ảnh hưởng đến XK cá tra Việt Nam sang Mỹ. Mỹ chiếm 19% XK cá tra của Việt Nam, chỉ sau EU 19,5%.

Ngoài thị trường Mỹ, XK sang các thị trường chủ lực khác như Nhật Bản, EU cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng sụt giá đồng yên và đồng euro hiện nay khiến NK bị hạn chế.

Hơn nữa, xu hướng thông thường của các năm, XK thủy sản đầu năm sụt giảm vì nhu cầu giảm và tăng dần vào cuối năm khi nhu cầu tăng trước các dịp Lễ Giáng sinh và Năm mới. Năm 2014 diễn biến XK ngược lại vì thị trường tăng đột biến vào đầu năm, nhà NK gom hàng dự trữ vì sợ thiếu nguồn cung, nhất là với mặt hàng tôm. Cùng với các yếu tố khác, năm 2015, có thể XK thủy sản sẽ quay về quỹ đạo thông thường của các năm: giảm đầu năm và tăng dần từ giữa năm đến hết quý III, chững lại trong quý IV.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *