Tiền và Hàng 07/04/2015 14:11

Xuất khẩu sụt giảm: VASEP kiến nghị hàng loạt giải pháp gỡ khó

FICA - Xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh ở các thị trường lớn.

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu nông-thủy sản

Quý I/2015, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt gần 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,92 tỷ USD, giảm 15,1%, xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,27 tỷ USD, giảm 20,6%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Báo cáo tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản mới đây, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm giảm khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh ở các thị trường lớn.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm sút là do áp lực của thuế chống bán phá giá, biến động tỷ giá ngoại tệ làm giảm nhu cầu nhập khẩu và giảm khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam, giá trung bình nhập khẩu bị giảm mạnh, nhất là mặt hàng tôm do cạnh tranh với tôm Ấn Độ đang vào vụ và có giá xuất thấp…

Theo đại diện VASEP, dưới áp lực giảm giá mạnh của đồng Euro, yên so với đồng USD - không chỉ hạn chế đáng kể việc nhập khẩu nông-thủy sản ở những khu vực thị trường này, mà còn tác động tới lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tỷ giá USD/VND không đổi trong khi tỷ giá của các nước xuất khẩu cạnh tranh (Thái Lan, Ấn độ, Indonesia…) được linh hoạt hơn.

Theo đó, để giảm áp lực và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu nông-thủy sản Việt Nam, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu ngành nông-thủy sản xuống dưới mức trần 7% như hiện nay.

Trước bối cảnh giá thành sản xuất các mặt hàng nông-thủy sản Việt Nam ngày càng cao, và cao hơn các nước đang xuất khẩu cạnh tranh, ví dụ như sản xuất tôm nuôi tại Ấn Độ, trong khi tâm lý và cách tiếp cận của đa số người dân và doanh nghiệp là nghiêng về “giá bán cao, và cao hơn” đã ngày càng không phù hợp. Do đó, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tập trung và có chương trình, giải pháp đồng bộ phối hợp cùng các bên liên quan cho việc giảm giá thành sản xuất.

Ngoài ra, Hiệp hội này cũng kiến nghị đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian kiểm dịch, thời gian thẩm tra Giấy chứng nhận thủy sản khai thác… Liên quan đến vấn đề hội nhập, với các FTA đã ký, đang rà soát và các FTA đang đàm phán, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm và tăng cường, chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các Bộ Tài chính và Công Thương trong quá trình chuẩn bị và đàm phán, rà soát - nhằm đảm bảo tối đa hóa các thuận lợi và sự phù hợp đối với các sản phẩm thủy sản nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam.

Một trong những yếu tố tác động tạo nên khó khăn, gia tăng giá thành cho xuất khẩu của Việt Nam nói chung và cho nông-thủy sản nói riêng thời gian qua là việc áp dụng và tăng liên tục cước và các loại phí dịch vụ (phụ phí) của các Hãng tàu biển và các đại lý của các hãng. Về nội dung này, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có ý kiến thêm với Bộ Giao thông Vận tải để tăng cường thực hiện các giải pháp phù hợp một cách hiệu quả và kịp thời, nhằm góp phần đảm bảo giá thành phù hợp các sản phẩm nông-thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *