Tiền và Hàng 02/04/2014 19:11

Xin Thủ tướng hoãn nâng thuế tiêu thụ đặc biệt vì...thuốc lá lậu!?

FICA - Trong tờ trình, Hiệp hội Thuốc lá đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm thời chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Sau khi đã ngăn chặn được đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, sẽ xem xét tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình tăng dần, phù hợp với tình hình thực tế.

Thông tin từ Bộ Công thương cho hay, ngày 24/3 vừa rồi, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã trình Chính phủ tờ trình về một số kiến nghị liên quan đến vấn đề thuốc lá lậu.

Trong tờ trình này, Hiệp hội cho biết, tình trạng thuốc lá điếu nhập lậu vào thị trường Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo số liệu mà Hiệp hội này đưa ra, riêng năm 2013 đã có khoảng 17 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam; 2 tháng đầu năm 2014, thuốc lá lậu tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013.

Đáng nói nhất là thuốc lá nhập lậu hiện được bán và tiêu dùng công khai tại tất cả các cửa hàng trên phạm vi toàn quốc, gây tác động xấu đến nhiều mặt kinh tế và xã hội của đất nước.

Hiệp hội cho biết, thuốc lá nhập lậu đã lấy đi 20% thị phần thuốc lá điếu nội địa. Năm 2012 thuốc lá lậu làm thất thu ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, tương đương 309 triệu USD, làm mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 hecta).

Bên cạnh đó, thuốc lá lậu còn làm mất việc làm của 5 triệu công lao động nông dân/năm và 600.000 công lao động công nhân/năm; và hàng trăm nghìn lao động trong các ngành thương mại, dịch vụ liên quan. Không những thế, do thuốc lá lậu không tuân thủ bất kỳ quy định nào về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, an toàn vệ xinh thực phẩm và lộ trình giảm Tar và Nicotine, không kiểm soát được chất lượng nên sẽ gây tác hại nhiều đến sức khỏe cộng đồng.

Trước thực trạng này, tại tờ trình Chính phủ, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chỉ thị về việc tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai khẩn trương, toàn diện, kiên quyết chống buôn lậu thuốc lá ở cả đầu vào và đầu ra như Chính phủ đã làm trong những năm 1990. Ngăn chặn buôn lậu thuốc lá tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới; đồng thời kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cửa hàng, tụ điểm, đối tượng lưu trữ, vận chuyển buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên thị trường.

Khó cạnh tranh thuốc lậu, xin hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt!

Cũng theo phân tích của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, buôn lậu thuốc lá hiện đang thu siêu lợi nhuận. Tăng thuế TTĐB thời điểm này sẽ làm mức lợi nhuận của buôn lậu thuốc lá cao hơn, dẫn đến buôn lậu gia tăng.

Theo Hiệp hội này, vào năm 2006 khi thuế TTĐB tăng từ 45% lên 55% và 65% vào năm 2008 đã gây ra sự tăng đột biến của thuốc lá nhập lậu khoảng 6 tỷ điếu (từ 12 tỷ điếu năm 2006 lên 18 tỷ điếu năm 2008).

Bên cạnh đó, thuốc lá lậu trốn thuế, giá rẻ và không phải in cảnh báo sức khỏe, không phải trích Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nên sẽ được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn chứ không giảm (bất chấp việc thuốc lá lậu không kiểm soát được chất lượng gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng). Hệ quả là, do thuốc lá lậu tăng dẫn đến thuốc lá sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp và tổng thu ngân sách nhà nước có thể sẽ giảm chứ không tăng mặc dù tăng thuế suất (lý do là phần thu ngân sách mất đi do thuốc lá lậu nhiều hơn).

Chi tiêu bình quân hằng ngày cho thuốc lá/lương ròng năm 2012.

Hiệp hội Thuốc lá cũng dẫn dẫn chứng tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tại Malaysia, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá năm 2010 tăng 182% so với năm 2004 khiến thuốc lá hợp pháp trở nên quá đắt đỏ đối với người tiêu dùng. Kết quả là ngành công nghiệp thuốc lá Malaysia mất hơn 30% sản lượng cho thuốc lá lậu và thuốc lá lậu đã chiếm 40% thị phần. Cuối cùng, Chính phủ Malaysia đã quyết định không tăng thuế năm 2011 và 2012.

Tương tư, tại Canada, từ năm 2002 đến năm 2008, trung bình cộng có trọng số của mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 22%, trong khi lạm phát lũy tích ở mức xấp xỉ 14%. Giá bán lẻ tăng mạnh từ năm 2002 đến năm 2004, nhưng sau đó tăng vừa phải hơn phù hợp với mức tăng thuế. Doanh thu từ việc đánh thuế thuốc lá của Chính phủ tăng bước đầu từ năm 2002 đến năm 2004, nhưng sau đó nhìn chung là giảm, bất kể thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên.

Lượng thuốc lá được bán hợp pháp đã giảm 10 tỷ điếu thuốc lá, với tỷ lệ giảm là 27%. Tình trạng buôn lậu tăng đột biến vào năm 2006 và tiếp tục đạt đến một trong những mức cao nhất trên thế giới. Kết quả, sự gia tăng tiêu thụ thuốc lá lậu và sụt giảm đối với số lượng thuốc lá có đóng thuế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu ngân sách. Chính phủ Canada đã vô hiệu hóa việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2005 do không đạt được cả mục tiêu điều tiết lẫn mục tiêu tài chính.

Do vậy, tại Tờ trình lần này, Hiệp hội này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm thời chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Sau khi đã ngăn chặn được đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, sẽ xem xét tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình tăng dần, phù hợp với tình hình thực tế.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *