Tiền và Hàng 26/03/2014 17:15

Vận tải biển: Nội "đấu không lại" ngoại

FICA - Thị phần vận tải biển hiện nay đang do các hãng tàu biển nước ngoài chiếm lĩnh với khoảng 80% - 85%, trong đó đảm nhận 100% hàng đi châu Mỹ, châu Âu.

Tiếp sau ngành xây dựng và ngành dược phẩm, vận tải biển đã được lựa chọn là ngành chiến lược để tuyên truyền và phổ biến pháp luật cạnh tranh trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về luật và chính sách cạnh tranh tại Việt Nam” giữa Cục Quản lý cạnh tranh và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản trong giai đoạn 2013-2014.

Ngành vận tải biển hiện nay đang đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, vận chuyển trên 80% hàng hóa lưu thông trong và ngoài nước. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, GDP của ngành vận tải biển chiếm khoảng tới 11%.

Trước đó, Cục Quản lý Cạnh tranh đã phối hợp với Ủy ban Thương mại Lành mạnh Nhật Bản (JFTC) tổ chức 2 hội thảo tuyên truyền về cạnh tranh trong ngành vận tải biển tại thành phố Đà Nẵng và TPHCM.

Phát biểu tại hội thảo lần này, đại diện của Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng hiện nay hành lang pháp lý cho hoạt động cạnh tranh trong ngành vận tải biển đã được ban hành đầy đủ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp tham gia thị trường. Trong lĩnh vực khai thác tàu, mức độ tham gia thị trường cao do các rào cản gia nhập thị trường ở mức trung bình, dẫn đến mức độ tập trung trên thị trường thấp.

Tuy nhiên thị phần vận tải biển hiện nay đang do các hãng tàu biển nước ngoài chiếm lĩnh với khoảng 80% - 85%, trong đó đảm nhận 100% hàng đi châu Mỹ, châu Âu. Các hãng tàu Việt Nam chỉ có thể đảm nhận khoảng 15% - 20% hàng công-ten-nơ xuất nhập khẩu đến các thị trường Asean và Trung Quốc.

Đối với lĩnh vực khai thác cảng biển, mức độ tập trung lại tương đối cao, chỉ số tập trung trong các năm gần đây luôn đạt trên 65%, là mức độc quyền nhóm, tập trung ở một số đối thủ cạnh tranh tương đối mạnh là các cảng lớn như Cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn.

"Có thể nhận thấy rằng, ngành vận tải biển đang diễn ra sự cạnh tranh gay gắt giữa những hãng tàu trong nước và nước ngoài đồng thời tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật cạnh tranh", đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết.

Về phía Cục Hàng Hải Việt Nam, Ông Bùi Thiên Thu - Phó Cục trưởng Cục Hàng Hải cho biết, hiện nay lĩnh vực vận tải biển đang gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Xu thế mua bán, sáp nhập trong ngành được dự báo cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, theo ông Trịnh Thế Cường – Trưởng phòng dịch vụ và vận tải biển, lĩnh vực vận tải biển Việt Nam vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập như: cơ cấu đội tầu còn nhỏ, tuổi tàu cao dẫn đến việc các hãng tàu Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước, còn có những bất cập trong cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển ngành vận tải biển…

Cũng trong chương trình Hội thảo, Ông Hiroyuki Yamashita đã chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật cạnh tranh trong ngành vận tải biển tại Nhật Bản. Chuyên gia cũng khẳng định vai trò quan trọng của cơ quan quản lý cạnh tranh trong việc đảm bảo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành vận tải biển.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh – ông Nguyễn Phương Nam nhấn mạnh một mặt cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan hàng hải và cơ quan cạnh tranh nhằm giám sát hoạt động cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp vận tải biển trong nước, mặt khác các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được những hành vi của các doanh nghiệp khác có khả năng gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường để báo cáo với cơ quan quản lý cạnh tranh để can thiệp kịp thời.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *