Tiền và Hàng 05/09/2017 09:53

Tín dụng tăng mạnh, nhà băng "gặt" lãi lớn

Tính đến hết tháng 7/2017, lợi nhuận sau thuế của hệ thống tổ chức tín dụng đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tín dụng đã tăng 11,5%, hệ thống TCTD lãi 41.000 tỷ đồng

Uỷ ban Giám sát Tài chính (UBGSTC) vừa có báo cáo tình hình kinh tế và thị trường tài chính 8 tháng đầu năm. báo cáo này cho thấy, tín dụng tháng 8 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 8/2017, tín dụng tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016, cùng kỳ năm trước tăng 10,2%.

Đáng lưu ý, theo báo cáo, trong những tháng đầu năm, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm, tín dụng ngắn hạn ước tăng 14,1% (cùng kỳ năm 2016 tăng 9%), chiếm 45,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%). Tín dụng trung dài hạn ước tăng 8,8%, cùng kỳ năm ngoái tăng 11,1%, chiếm 54,1% tổng tín dụng.

Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định với tín dụng VNĐ chiếm chủ yếu trong tổng tín dụng (91,5%) trong khi tín dụng ngoại tệ là 8,5%. Đáng chú ý tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn nhiều so với cùng kỳ với mức tăng 11,5%, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước (1,7%) và tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Tín dụng VNĐ ước tăng 11% so với cuối năm 2016,

Xét về cơ cấu tín dụng theo ngành nghề và lĩnh vực hầu như không thay đổi nhiều so với cuối năm trước. Tỷ trọng tín dụng với ngành công nghiệp và xây dựng khoảng 31,2%; dư nợ cho vay ngành dịch vụ khoảng 37,4%; dư nợ đối với các ngành nông, lâm, thuỷ sản và thương mại, vận tải, viễn thông vẫn duy trì ổn định.

"Tính đến hết tháng 7/2017, lợi nhuận sau thuế của hệ thống tổ chức tín dụng đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động tín dụng và hoạt động dịch vụ. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng mạnh do tín dụng tăng trưởng cao, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên tăng lên mức 2,9% trong khi cùng kỳ năm trước là 2,7%", báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu.

Cũng theo Ủy ban này, trong 8 tháng qua, nợ xấu của ngân hàng tập trung tại một số TCTD yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu. Đến 30/6/2017, nợ xấu báo cáo khoảng 157.000 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,9% (năm 2016 khoảng 2,6%).

Có thể đạt tăng trưởng cả năm trên 20%?

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tính toán khả năng nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên 21-22% nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay 6,7%.

Trước đó, trao đổi với báo chí, chuyên gia tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng các điều kiện vĩ mô hiện nay đang thuận lợi để NHNN có thể xem xét nới lỏng tín dụng hay tăng cung tiền tệ và tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Khả năng nới tín dụng tới 20% là có thể.

“Tăng trưởng tín dụng trên mức 20% là có thể đạt được, do các điều kiện kinh tế vĩ mô đang tương đối thuận lợi để NHNN có thể xem xét tới việc tăng cung tiền tệ và trên cơ sở đó giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, quan trọng hơn là doanh nghiệp hay nền kinh tế có khả năng hấp thụ nữa không.

"Nếu lãi suất cao thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn tín dụng đó bởi trong bối cảnh lãi suất đang cao, nếu mở rộng tín dụng thì nguồn lực này sẽ chảy vào những lĩnh vực ngoài mong muốn như bất động sản, chứng khoán, những ngành có mức độ rủi ro tương đối cao. Trong khi, nếu lãi suất giảm xuống thì tăng trưởng tín dụng này sẽ vào được những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Vị chuyên gia cũng dẫn ra hai khả năng khi đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên trên 20%. Nếu nền kinh tế hấp thụ tốt, đúng hướng, trong điều kiện lãi suất tương đối thấp có thể tạo nên hiệu ứng tăng cầu, góp phần tăng trưởng GDP. Còn nếu không giảm lãi suất mà đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao như vậy thì chưa chắc đã tạo nên được tác dụng tăng tổng cầu an toàn và có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo.

“NHNN cần cân nhắc, tính toán thận trọng”, ông Nghĩa nói.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *