Tiêu Dùng 22/05/2014 07:13

Quản trần giá sữa: Doanh nghiệp kêu, người tiêu dùng mừng

Đại diện một số hãng sữa cho rằng, việc áp giá trần với 25 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của 5 doanh nghiệp có thị phần lớn là triệt tiêu cạnh tranh. Cơ quan chức năng cho rằng, sự việc chỉ có lợi cho người tiêu dùng.

Từ 1/6, sẽ áp giá trần với 25 mặt hàng sữa. Ảnh: Như ÝTừ 1/6, sẽ áp giá trần với 25 mặt hàng sữa. Ảnh: Như Ý

 

Siết “vòng kim cô”

Thực hiện tuyên bố trước đó nhằm chấm dứt tình trạng loạn giá sữa, ngày 21/5, Bộ Tài chính ra quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với 25 sản phẩm sữa của 5 doanh nghiệp. Việc áp trần giá sữa thực hiện từ 1/6 đối với các dòng sản phẩm Dielac Alpha, Friso Gold, Frisolac Gold, Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen, Abott Grow 3…

Mặt hàng có giá trần cao nhất Similac GainPlus IQ 1,7kg có giá bán buôn 692.000 đồng, tiếp đến là Grow G- Power vanilla 1,7kg giá 610.000 đồng... Với sản phẩm sữa loại 400g, mức giá thấp nhất là mặt hàng Dielac Alpha 123 HG với giá 72.000 đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, việc quản lý giá trần được thực hiện trong 12 tháng. Cùng đó, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giá theo quy định trong thời hạn 6 tháng tới.

Với những sản phẩm sữa khác đang lưu thông trên thị trường cũng như những sản phẩm mới chưa lưu thông; các tổ chức, cá nhân tự xác định giá bán tối đa và gửi Cục Quản lý Giá để xem xét phê duyệt. “Mức giá tối đa trong khâu bán lẻ, được xác định bằng giá tối đa trong khâu bán buôn cộng chi phí khác có liên quan. Tuy nhiên, mức giá tối đa không quá 15% của giá tối đa trong khâu bán buôn”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
 

Có thật doanh nghiệp bị lỗ?

Về việc Bộ Tài chính áp giá trần đối với một số mặt hàng sữa, đại diện đối ngoại của một hãng sữa khẳng định, thực hiện áp giá trần là can thiệp hành chính phi thị trường. Việc này sẽ làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu sức cạnh tranh, khiến cho các doanh nghiệp hoặc phải rút lui khỏi thị trường hoặc tìm cách lách luật.

Giám đốc pháp chế của một tập đoàn sữa nước ngoài còn cho rằng, mức giá trần hiện nay thấp hơn giá hiện tại của các công ty từ 18%-30%. Như vậy, thời gian tới, có khả năng là các doanh nghiệp sẽ không kinh doanh mặt hàng này nữa (vì không có lợi nhuận hoặc lỗ).

Theo vị này, về quản lý giá của nhà nước, Bộ Tài chính đưa ra phương pháp tính giá trần: Giá thành sản phẩm + chi phí + lợi nhuận hợp lý = giá trần. Cách tính này không tính đến yếu tố cạnh tranh và không phù hợp với quy định của Luật Giá.

Đại diện một hãng sữa ngoại cũng cho rằng, Điều 21 của Luật Giá nêu rõ, việc định giá phải căn cứ theo giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm định giá. “Hiện, Bộ Tài chính chỉ tính giá dựa vào yếu tố đầu vào, vừa trái luật lại không phù hợp với chuẩn mực quốc tế”, vị này nói.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài chính) Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Qua rà soát các cam kết của Việt Nam gia nhập WTO, khoản 9 Điều III Hiệp định Thuế quan và Thương mại không cấm áp dụng biện pháp kiểm soát giá nội địa (với điều kiện không phân biệt đối xử và hạn chế tối đa bất lợi đối với lợi ích quốc gia thành viên WTO).

Áp trần là biện pháp phù hợp với diễn biến tình hình thị trường trong thời gian vừa qua. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, doanh nghiệp còn có nhiều khả năng để vừa tiết giảm chi phí, vừa duy trì lợi nhuận hợp lý để góp phần bình ổn giá sản phẩm này.

Từ 1/6, sản phẩm Dielac Alpha 123 của Vinamilk bị khống chế giá trần ở mức: 167.000 đồng/hộp 900g; Dielac Alpha Step 2 188.000 đồng/hộp 900g. Công ty CP FrieslandCampina bị khống chế trần giá Frisolac Gold 1 là 196.000 đồng/hộp 400g; Frisolac Gold: 406.000 đồng/hộp 900g. Dòng Enfagrow A+ 3 vanilla thuộc Cty Mead Jonhson có giá tối đa 563.000 đồng/hộp 1,8kg; Enfamil A+1 có giá 381.000 đồng/hộp 900g. Cty Nestle VN với dòng sữa Nan cũng bị khống chế giá bán mức 328.000 đồng/hộp 800g Nan 2...

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *