Tiền và Hàng 13/03/2014 06:15

Thương nhân Trung Quốc ngừng thu mua cau ở Quảng Ngãi: Rớt giá, tồn đọng khối lượng lớn

Theo giới thu mua, kinh doanh cau khô cho biết, giá cau phụ thuộc vào phía Trung Quốc, họ nhập thì cau sẽ có giá, nhưng nếu họ ngưng thì ngay lập tức giá rớt thê thảm.




Những ngày này, hàng ngàn héc-ta cau trong tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào cuối vụ thu hoạch. Nếu như các năm trước, cuối vụ giá cau luôn ở mức cao và luôn trong tình trạng khan hàng, thì năm nay giá cau xuống thấp kỷ lục, nhưng vẫn không tiêu thụ được. Người trồng và thu mua cau đều gặp khó khăn với loại cây trồng đặc thù này.

Sau Tết Nguyên đán, người trồng cau trong tỉnh bắt đầu vào cuối vụ thu hoạch. Tuy cuối vụ sản lượng không cao, nhưng đây luôn là thời điểm bà con trông chờ nhất, vì cau luôn trong tình trạng khan hàng,  khiến giá thu mua bao giờ cũng cao hơn đầu vụ. Thế nhưng năm nay, giá cau không những rớt thê thảm mà thương lái còn chẳng ngó ngàng tới.

Tại xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa), có những vườn cau bị “chín” vì quá lứa mà không được thu hoạch. Mấy năm trước, khi giá đạt mức hơn 5.000 đồng/kg thì các hộ trồng cau có thêm một khoản thu nhập khá sau mỗi vụ nhưng năm nay giá rớt còn 200 đồng/kg mà vẫn không bán được.

Theo giới thu mua, kinh doanh cau khô cho biết, giá cau phụ thuộc vào phía Trung Quốc, họ nhập thì cau sẽ có giá, nhưng nếu họ ngưng thì ngay lập tức giá rớt thê thảm. Trong khi bà con nông dân và các hộ kinh doanh mặt hàng cau khô đều rất thiếu thông tin, không thể biết khi nào họ ngừng nhập. Các vựa cau đều bán qua người trung gian được gọi là “tài xích”.

Việc cau rớt giá, tồn đọng với khối lượng lớn tại Quảng Ngãi đã cho thấy thêm một ví dụ về việc nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản của Việt Nam đang quá phụ thuộc vào sự nóng lạnh của thương lái Trung Quốc. Nói cho công bằng, vào thời điểm thuận lợi, khả năng hút hàng của thị trường Trung Quốc cũng kích thích bà con sản xuất và buôn bán, kinh doanh sôi động. Tuy nhiên, mỗi khi nhu cầu thị trường có biến động thì phần thiệt luôn là bà con nông dân. Đây là hiện tượng không mới nhưng cho đến nay, các cơ quan quản lý của ta vẫn chưa có giải pháp khắc phục.


 Theo Báo công thương

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *