Tiền và Hàng 17/02/2014 15:08

Thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ mạnh hơn

Với sự hội nhập sâu hơn của ngành thép vào thị trường thế giới, sự bảo hộ thép bằng thuế quan sẽ giảm đi, thép nhập khẩu sẽ vào Việt Nam mạnh hơn, xuất khẩu thép Việt Nam ra nước ngoài sẽ khó hơn.



Tất cả những thách thức này đòi hỏi ngành ngành công nghiệp thép Việt Nam phải cơ cấu lại và nâng cao sức cạnh tranh.

Ngành thép năm 2013

Cũng như một số ngành sản xuất trong nước, năm 2013 ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn trong tình trạng khó khăn. Chính phủ đã có nhiều biện pháp điều hành kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giữ ổn định tỷ giá dollar để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, do tình hình bất động sản đóng băng kéo dài, đầu tư công cắt giảm với tốc độ tăng trưởng GDP cả nước mấy năm qua chậm lại đã làm cho tiêu thụ thép giảm, đặc biệt là thép xây dựng, ngành sản xuất thép chính của Việt Nam.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, tính tới cuối năm 2013, năng lực sản xuất các sản phẩm thuộc công nghiệp thép của Việt Nam đạt được: Sản xuất than cốc luyện kim: 1.200.000 tấn/năm; gang từ lò cao: 3.829.000 tấn/năm; phôi thép cho các nhà máy cán: 11.790.000 tấn/năm; sản phẩm thép cán xây dựng: 11.380.000 tấn/năm; thép cán nguội dải rộng: 3.870.000 tấn/năm; Sthép cán nguội dải hẹp <1.500mm: 745.000 tấn/năm…

Các số liệu thống kê cho thấy, năng lực sản xuất các sản phẩm thép trong nước đã vượt xa nhu cầu. Vì vậy hầu hết các nhà máy đều phải vận hành dưới công suất thiết kế, làm cho hiệu quả kinh tế giảm thấp. Theo đánh giá, trừ một số công ty liên doanh và công ty có thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm tốt vận hành hết công suất hoặc vượt công suất thiết kế, còn lại hầu hết các công ty sản xuất trong nước đều trong tình trạng cầm cự.

Một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng tới sản xuất thép trong nước đó là do tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn và thép hình) gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu thép cho các công trình xây dựng bị giảm sút, thép cuộn chứa Boron của Trung Quốc nhập vào Việt Nam giá rẻ do được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu là 0% nên một số công ty sản xuất thép xây dựng phải cắt giảm sản xuất. Tiêu thụ thép xây dựng năm 2013 giảm so với 2012, chỉ đạt 4,957 triệu tấn (trong khi năm 2012 tiêu thụ ~ 5,473 triệu tấn), giảm 9,43% so với năm trước.

Dự báo ngành công nghiệp thép năm 2014

Theo dự báo, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014 có một số chuyển biến tích cực nhờ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu của các ngành kinh tế trong đó có ngành công nghiệp thép. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn nhiều khó khăn tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế Việt Nam.

Kinh tế trong nước vẫn chưa giải quyết được những khó khăn tồn tại, đặc biệt là tăng trưởng GDP chỉ ở mức khiêm tốn 5,8%, nên các công trình đầu tư mới còn hạn chế. Tình trạng bất động sản đóng băng mặc dù có được các gói kích cầu tháo gỡ, nhưng tác động chưa rõ rệt, việc giải ngân rất chậm. Những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều thép như đóng tàu, chế tạo ô tô, chế tạo cơ khí chưa khởi sắc, vì vậy tiêu thụ thép có tăng nhưng chỉ ở mức khiêm tốn 3-5% so với năm 2013 và không có đột biến. Với mức tăng trưởng dự kiến như vậy, tiêu thụ thép cả nước năm 2014 dự kiến chỉ đạt 12,4-12,65 triệu tấn/năm.

Do nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến, nên công suất sản xuất thép vẫn dư thừa, cạnh tranh giữa các công ty trong nước vẫn diễn ra mãnh liệt và sẽ xuất hiện thêm một số công ty sẽ ngừng sản xuất do không còn tính cạnh tranh, sản phẩm có giá thành cao so với các công ty có năng suất cao và giá thành hạ nhờ công nghệ và thiết bị tiên tiến.

Kinh tế thị trường sẽ tác động mạnh tới ngành công nghiệp thép Việt Nam năm 2014 với sự hội nhập sâu hơn của ngành thép vào thị trường thế giới, sự bảo hộ thép bằng thuế quan sẽ giảm đi, thép nhập khẩu sẽ vào Việt Nam mạnh hơn. Việc xuất khẩu thép Việt Nam ra nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện của các nước nhập khẩu.

Tất cả những thách thức lớn lao đó sẽ buộc ngành công nghiệp thép Việt Nam phải cơ cấu lại và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, vừa nghiên cứu lợi thế xuất khẩu trong mấy năm qua để mở rộng thị trường. Bởi liên tục từ năm 2010 tới nay, ngành thép Việt Nam đã xuất khẩu thép đạt khoảng 2 tỉ USD. Thép Việt Nam đã có mặt ở các thị trường lớn và đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, EU và ở các thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông. Việc xuất khẩu thép tăng đã chứng tỏ sản phẩm thép Việt Nam ở nhiều công ty đã đạt được chất lượng quốc tế và có giá thành cạnh tranh.

Nguyễn Mạnh Quân

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng

Theo Báo công thương

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *