Tiền và Hàng 07/07/2018 14:20

Thanh kiểm tra hàng giả: "Áp lực" từ những cuộc điện thoại

Đi theo cùng tổ công tác 334 và chứng kiến tại chỗ mới thấy khó khăn của các đội Quản lý thị trường hiện nay. Họ là người trực tiếp thực thi công vụ nhưng còn cấp trên chỉ đạo nên không dám trái lệnh. Mà các cú điện thoại trong khi thực hiện nhiệm vụ thường là từ cấp trên chỉ đạo.

Trong đợt cao điểm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, sáng ngày 6/7, đoàn kiểm tra của Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã ra quân đồng loạt kiểm tra đột xuất hàng chục cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, qua thực tế cùng đoàn công tác của các đội QLTT mới thấy được tại sao nạn hàng giả hàng nhái vẫn còn tràn lan. Lý do là bởi, lực lượng QLTT Hà Nội phải chịu khá nhiều áp lực từ các cuộc điện thoại chỉ đạo từ cấp trên.

Cán bộ QLTT kiểm kê hàng hoá
Cán bộ QLTT kiểm kê hàng hoá

Ngay trong đợt ra quân vừa rồi, tại một cửa hàng mỹ phẩm tại khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm, lực lượng QLTT vừa yêu cầu kiểm tra thì đã có điện thoại gọi đến chỉ đạo và nhận là họ hàng với chủ cơ sở kinh doanh.

Gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, tuy nhiên, đội QLTT số 2 sau khi rà soát toàn bộ sản phẩm đã phát hiện mặt hàng mỹ phẩm L’oreal có dấu hiệu vi phạm sở hữu công nghiệp (SHCN). Đội QLLTT số 2 cũng đã tạm giữ 26 sản phẩm mỹ phẩm trên để xác minh làm rõ.

Nghiêm trọng hơn, tại cơ sở số 70 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) qua kiểm tra phát hiện 151 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập lậu. Cùng địa bàn quận, đội QLTT số 1 đã phát hiện cơ sở C4 ngõ 53 Hoàng Cầu có số lượng hàng hoá nhập lậu lên tới 239 sản phẩm, giá trị hàng hoá lên tới hàng chục triệu đồng.

QLTT đang kiểm tra tại cơ sở bán mỹ phẩm tại quận Hoàn Kiếm
QLTT đang kiểm tra tại cơ sở bán mỹ phẩm tại quận Hoàn Kiếm

Ngoài các hàng hoá nhập lậu đã bị thu giữ, đội QLTT số 13 đã kiểm tra tại cửa hàng số 19 Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) và đã tạm thu giữ 396 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, ước tính trị giá hàng hoá theo giá niêm yết tại cửa hàng khoảng 49.440.000 đồng. Đây đều là các sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng.

Mức phạt tương tự với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm số 22 Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội). Thậm chí, đoàn kiểm tra còn phát hiện tại cơ sở này có bày bán 608 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, là hàng hóa nhập lậu.


8 chai nước tẩy trang nhãn L’oreal loại 400 ml/chai có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam.

8 chai nước tẩy trang nhãn L’oreal loại 400 ml/chai có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Còn với cơ sở 56 Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngoài hơn 600 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất chưa chứng minh được nguồn gốc. Tại đây còn bày bán 8 chai nước tẩy trang nhãn L’oreal loại 400 ml/chai có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Tổng kết ngày ra quân, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 10 vụ, trong đó 2 cơ sở không còn hoạt động kinh doanh, 2 cơ sở kinh doanh khác không kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm. Các đội QLTT đã tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá hàng hóa vi phạm vào khoảng 149 triệu đồng.

Trả lời về đợt cao điểm ra quân lần này đối với mặt hàng mỹ phẩm, thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ông Trần Hùng cho rằng, Bộ Y tế cần có trách nhiệm, chung tay với các bộ ngành khác vào cuộc.

“Ví dụ như mặt hàng thuốc, mỹ phẩm, dược phẩm thì Cục quản lý dược phải chịu trách nhiệm; Thực phẩm chức năng thì phải là Cục An toàn thực phẩm, còn đông, nam dược các loại do Cục Y dược cổ truyền dân tộc quản lý. Thực tế nhiều vụ việc chúng tôi đưa ra hỏi thì nhận được câu trả lời “đây không phải là thực phẩm chức năng, không phải thuốc!...” sự nhập nhèm này chính là lỗ hổng lớn để các sản phẩm giả, nhái tràn lan gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng”, ông Trần Hùng cho biết thêm.

Thế Hưng

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *