Tiền và Hàng 13/03/2014 12:43

Thận trọng khi thương lái Trung Quốc gom hàng

FICA - Theo Vasep, việc thương lái Trung Quốc thu gom tôm nguyên liệu cả đường tiểu ngạch, kể cả tôm có bơm chích tạp chất, gây xáo trộn thị trường tôn nguyên liệu trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng tôm Việt Nam.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) vừa có báo cáo với tựa đề "Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc".

Theo báo cáo này, từ vị trí thứ 7 trong các nước nhập khẩu thủy sản hàng đầu thế giới năm 2009, sau 5 năm, Trung Quốc đã vượt lên vị trí thứ 3 chỉ sau Nhật Bản và Mỹ với sức tiêu thụ lớn đáp ứng cho nhu cầu của dân số lớn và mức sông ngày càng được cải thiện và phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu nội địa.

Trung Quốc là một trong những thị trường chính nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, đứng thứ 5, chiếm 6,7% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012. Năm 2013, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 4 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong 5 năm gần đây, trong đó mặt hàng tôm đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung. Tỷ trọng của tôm trong tổng xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng từ 13% năm 2003 lên trên 64% năm 2011 và 60% năm 2012 và 66,6% năm 2013.

Năm 2013, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt tăng trưởng khả quan trên 36,6% trị giá 572,7 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc đứng thứ 4 về nhập khẩu tôm từ Việt Nam với trên 381,1 triệu USD, tăng 49,1%, chưa kể đến việc thương lái Trung Quốc thu gom tôm nguyên liệu cả đường tiểu ngạch, kể cả tôm có bơm chích tạp chất, gây xáo trộn thị trường tôn nguyên liệu trong nước, ảnh hưởng đến chất lượng tôm Việt Nam.

Theo Vasep, tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, đặc biệt là tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu (chưa qua chế biến) đã đưa qua đường tiểu ngạch Trung Quốc, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác.

Việc ồ ạt thu mua xuất khẩu tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu xuất khẩu, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư. Khi thương lái mua theo hình thức trên, vấn đề chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất trong tôm có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến hình ảnh tôm Việt Nam.

Trong khi đó, áp lực cạnh tranh cũng ngày càng gia tăng. Thị phần của Việt Nam có xu hướng đi xuống cho thấy Trung Quốc ngày càng đa dạng hóa các nguồn cung cấp, cơ hội giao thương với các nước khác càng nhiều thì áp lực cạnh tranh của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc ngày càng lớn. Năm 2013, Việt Nam chỉ đứng thứ 18 trong số các nước cung cấp thủy sản nguyên liệu cho Trung Quốc, tụt xa so với vị trí thứ 8 của Thái Lan và thứ 10 của Ấn Độ.

Theo các doanh nghiệp Việt Nam, trở ngại lớn nhất trong việc giao thương với Trung Quốc hiện nay là đàm phán, buôn  bán. Người Trung Quốc có thói quen mặc cả rất nhiều, do vậy "giá chót" thực tế mới là giá khởi điểm để đàm phán, điều này đòi hỏi các chuyên viên đàm phán của ta phải rất nhẫn nại, phải xác định được đối tác có phải là người quyết định cuối cùng hay không.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *