Tiền và Hàng 28/02/2014 14:43

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt bia, rượu: Thiệt cả đôi, ba đường?

FICA - Theo Hiệp hội Bia, Rượu và Nước giải khát, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá nhanh sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tới lợi ích của người tiêu dùng và cả phía cơ quan quản lý.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) vừa có công văn gửi lên Bộ Tài chính và Bộ Công thương tham gia ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo VBA, thuế tiêu thụ đặc biệt có tác động và ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành rượu, bia. Trong thời gian qua, nhất là từ 2010 đến nay với mức thuế hợp lý đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành, từ đó có đóng góp cho xã hội thông qua nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm, tăng cạnh tranh và giảm nhập khẩu. Do đó, VBA cho rằng, việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cần đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phù hợp với lộ trình hội nhập với các cam kết của Việt Nam cũng như tình hình phát triển kinh tế  trong nước.

Theo dự thảo, mức điều chỉnh tăng thuế suất đối với bia từ 50% lên 65% (tăng 15%) và đối với rượu dưới 20 độ tăng 10% (từ 25% lên 35%) và rượu trên 20 độ trở lên tăng 15% (từ 50% lên 65%) và được áp dụng từ 1/7/2015.

VBA cho biết, đối với dự thảo trên, các doanh nghiệp trong ngành đều cho là cao và đột ngột sẽ gây ảnh hưởng tới Chương trình kế hoạch đầu tư, phát triển và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo tính toán của doanh nghiệp trong VBA, mức tăng thuế 15%, nếu giữ giá bán hiện hành thì sẽ dẫn đến tổng nộp ngân sách về thuế tiêu thụ đặc biệt là 18,18% cho 1 lít bia (tương đương 650 đồng/lít). Còn nếu phải điều chỉnh tăng giá bán thì cũng là việc hạn chế các sản phẩm rượu, bia vì còn phải đảm bảo giá cạnh tranh hàng nhập khẩu, đồng thời các chi phí về nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng hàng năm bình quân 10%; ngoài ra các yếu tố tăng giá trong nước như điện, nước, xăng dầu đều ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp. Hơn nữa, các sản phẩm rượu, bia khi điều chỉnh tăng giá bán cũng là tăng nộp ngân sách (do thuế tiêu thụ đặc biệt tính trên giá bán).

Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính chung 1 mức thuế với cả bia lon, chai, bia hơi, bia tươi. Trong quá trình điều chỉnh, bia hơi đã được tăng dần từ 30% đến nay là 50%. Vì vậy, nếu tăng ngay mức 15% thì sản phẩm bia hơi sẽ lỗ, sản phẩm bia hơi hiện nay khoảng từ 350 - 400 triệu lít/năm, lại là sản phẩm phục vụ người có thu nhập thấp.

Đối với rượu, hiện nay rượu sản xuất công nghiệp còn ít (chưa đạt 100 triệu lít/năm), rượu dân tự nấu, rượu nhập lậu, rượu kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc quản lý chưa tốt. Báo cáo của Cục quản lý thị trường Bộ Công thương năm 2013 đã tịch thu và tạm giữ 70.238 chai rượu các loại nhập, 65.108 chai không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa là 4.500 chai. Vì vậy, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao (10-15%) sẽ càng khó khăn trong công tác chống buôn lậu, trong việc quản lý rượu phi thương mại, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất chân chính, sẽ dẫn đến thất thu thuế, không khuyến khích việc tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo VBA, sản lượng Bia Việt Nam đến 2013 đang đạt mức gần 3 tỷ lít nhưng so với quy hoạch phát triển ngành do Bộ Công thương phê duyệt thì vẫn chưa đạt quy hoạch. Mặt khác, với mức bình quân hiện nay khoảng 30 lít/người/năm cũng mới chỉ ở mức trung bình thế giới, chưa phải là cao.

"Chính sách của Nhà nước của nhà nước hiện nay là chống lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác chứ không phải hạn chế tiêu dùng, hạn chế sự phát triển của ngành rượu, bia, nước giải khát. Vì vậy, mức thuế phải phù hợp với điều kiện, tình hình của doanh nghiệp để đảm bảo sự phát triển ổn định, đáp ứng yêu cầu thu ngân sách, hội nhập cũng như nhu cầu của người tiêu dùng", VBA cho biết.

VBA cũng cho rằng, ngành rượu, bia với đặc điểm các doanh nghiệp với trình độ công nghệ, quản lý, quy mô sản xuất cũng như có các sản phẩm khác nhau. Vì thế việc tăng mức thuế cần bảo đảm yêu cầu phù hợp với tất cả các doanh nghiệp đều kinh doanh có lãi, nếu mức thuế cao quá các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ công nghệ, thiết bị thấp sẽ khó tồn tại và phát triển được.

Theo đó, VBA đề xuất việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt phải có lộ trình cụ thể: từ tháng 7/2015 mức tăng 5% (từ 50% lên 55%); năm 2018 - 2019 mức tăng 5% (từ 55% lên 60%); sau năm 2020 mức tăng 5% (từ 60% lên 65%).

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *